Nhập siêu 7 tháng đầu năm nay đã lên đến 3,739 tỷ USD, cao hơn 1,059 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức nhập siêu của cả năm 2002, lớn gấp 1,6 lần nhập siêu của 2 năm 2000-2001 cộng lại... Nhập siêu 7 tháng đầu năm 2004 mới là 2,68 tỷ USD, vậy mà đến hết năm đã vọt lên đến mức kỷ lục 5,45 tỷ USD. Rõ ràng, nhập siêu đang ở mức báo động.
|
Nhập khẩu giấy tăng 55,4% về giá trị, "góp phần" vào tình trạng nhập siêu báo động. |
Tính "nguy kịch" thể hiện ở chỗ, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu liên tục tăng cao hơn xuất khẩu, trái ngược hẳn với tình hình ở cùng kỳ năm 2004. Hơn nữa, nhập siêu 7 tháng đầu năm 2004 mới bằng 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng 7 tháng đầu năm 2005 đã lên tới 21,5%. Nghĩa là, nếu không cầm chắc "dây cương" thì "con ngựa bất kham" này trong những tháng cuối năm 2005 sẽ phi nước đại chưa từng thấy.
Nếu nhập siêu tăng do đẩy mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại thì đã là "hồng phúc" cho nền kinh tế, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng vừa qua mới đạt 2,936 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước 1,8% (khoảng 52 triệu USD).
Trong 7 tháng đầu năm nay, có một số mặt hàng nhập khẩu giảm hoặc tăng thấp, góp phần kìm chế nhập siêu, như mặt hàng phân u-rê (giảm 43% về khối lượng và giảm 22% về giá trị do sản xuất trong nước phát triển), bông giảm 15% về giá trị, dầu thực vật giảm 15% về giá trị, nguyên phụ liệu dệt - may - da giày hầu như không tăng… nhưng nhập khẩu tăng chủ yếu bởi mặt hàng xăng dầu: đạt 2,838 tỷ USD, tăng gần 46%, mặc dù chỉ tăng 7,1% về khối lượng; sắt thép 1,858 tỷ USD, tăng 39%, mặc dù lượng chỉ tăng 14,3%; chất dẻo, hoá chất 1,276 tỷ USD, tăng trên 30%... Đây là những mặt hàng thiết yếu, không tăng không được, bởi sản xuất trong nước chưa phát triển và giá cả trên thị trường thế giới leo thang.
Nhưng không ít mặt hàng tăng một cách nghịch lý, như nhập giấy (325.000 tấn, trị giá 201 triệu USD), tăng 26,8% về lượng và tăng 55,4% về giá trị; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu 371 triệu USD, tăng 50,5%; sữa và sản phẩm sữa 219 triệu USD, tăng tới 89%, và nhất là nhập khẩu xe máy nguyên chiếc tăng gấp gần 3,7 lần. Sự bất cập của sản xuất trong nước đối với những mặt hàng này là điều cần sớm được khắc phục.
Nhưng dù mặt hàng nào đi chăng nữa thì việc tiết kiệm hay tối ưu hoá trong tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu vẫn cần được đề cao, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, nhập khẩu tốn kém như vậy mà vẫn bị "tái xuất lậu".
Để giảm được nhập siêu, suy cho cùng chỉ có 2 biện pháp: xuất khẩu phải tăng trưởng cao hơn nhập khẩu, yêu cầu này chưa đạt được trong thời gian qua; phát triển sản xuất trong nước để thay thế từng phần nhập khẩu và tiết kiệm trong tiêu dùng. Để thực hiện kiềm chế nhập siêu, nhiều nước trên thế giới sử dụng đồng bộ cả 2 biện pháp này.
Không phải nhập siêu lúc nào cũng mang yếu tố tiêu cực. Nhập siêu do nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ là việc cần được Nhà nước khuyến khích trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ tiếc là thời gian qua chưa thực hiện tốt yêu cầu này. Trong 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mặt hàng này mới chiếm 13,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (ở các nước công nghiệp mới tỷ lệ này thường chiếm 30-40%).
Nhập khẩu vừa qua chủ yếu phục vụ và nuôi dưỡng một nền công nghiệp gia công xuất khẩu, mới góp phần vào việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, tức khai thác nhân lực, mà chưa thúc đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước, mà hậu quả là nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, hàng hoá nước ngoài.
Chỉ đơn cử quy mô nhập khẩu thức ăn gia súc hiện nay đã cho thấy rõ thực trạng đó. Vì vậy, xét theo chuẩn này, thì hiệu quả đích thực của nhập khẩu thời gian qua chưa cao, và trong bối cảnh này mà nhập siêu ngày càng gia tăng thì khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế nước ta sẽ càng lớn.
(Theo Đầu tư) |