(VietNamNet) - Không được đề cập đến nhiều trên các diễn đàn, không gây chú ý bằng các vụ kiện bán phá giá... nhưng việc xuất khẩu vào thị trường châu Á đang góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch chung của Việt Nam mà theo như nhận định của Bộ Thương mại: châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Số liệu thống kê xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2005 cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang các nước ở khu vực này đạt 7,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Á chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 49% so với cùng kỳ.
|
Lúa gạo - một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh sang châu Á. |
Trong số các khu vực xuất khẩu lớn của Việt Nam ở châu Á, đáng chú ý là xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á (ASEAN) đạt kim ngạch 2,35 tỷ USD, tăng trên 40%. Xuất khẩu sang một số nước thành viên ASEAN tăng mạnh, như với Philippines tăng 101%, Thái Lan 73,7%, Campuchia 60%, Malaysia 53%, Singapore 25,5% và Lào 23%. Trái lại, xuất khẩu sang Indonesia giảm tới 17% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm mặt hàng gạo.
Xuất khẩu sang các nước Đông Bắc Á cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu như dầu thô, gạo, dệt may, giày dép và thủy sản. Xuất khẩu sang Hồng Kông tăng 11,5%.
Đặc biệt trên thị trường Trung Quốc, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng, nhưng mặt hàng giảm nhiều là dầu thô giảm 50%.
Tuy nhiên xuất khẩu vào thị trường châu Á gần đây có một số biến động như: sang Hàn Quốc cũng giảm 2,5% và Iraq giảm 69% với cùng kỳ năm 2004.
Theo Bộ Thương mại, thị trường châu Á là nơi có các đối tác lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... mà Chính phủ hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp quan hệ kinh tế và xuất khẩu ngày càng khả quan.
Đặc biệt, châu Á là nơi có nhiều nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Singaspore... Các nhà đầu tư lớn từ những nước này đến đầu tư sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất đi các thị trường khác đã góp phần quan trọng trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đều có các nhà đầu tư châu Á tham gia như: dệt may, da giày, đồ gỗ...
Để tiếp tục thâm nhập thành công vào thị trường châu Á, Bộ Thương mại cũng lưu ý, thị trường này rất rộng lớn, đa số các nước có nhu cầu lớn về hàng tiêu dùng, nông thuỷ sản... là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Hàng hoá xuất sang các nước châu Á tuy không vấp phải các rào cản kỹ thuật quá khắt khe như ở châu Âu, Mỹ nhưng các doanh nghiệp phải lại phải hết sức chú ý về tập quán tiêu dùng của người dân; phương thức thâm nhập, xúc tiến và quảng cáo riêng của mỗi quốc gia.
Đến nay, tuy các doanh nghiệp đã thâm nhập thành công vào nhiều nước châu Á, nhưng vẫn còn một bộ phận lớn thị trường thuộc khu vực: Tây Nam Á, Nam Á... cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát thị trường, xúc tiến xuất khẩu và thiết lập hệ thống phân phối.
Bên cạnh đó, để mở rộng xuất khẩu, cần tiếp tục thu hút nhà đầu tư từ các nước phát triển hơn đến Việt Nam sản xuất để bán hàng về nước họ và xuất khẩu đi các nước khác. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tính đến việc đầu tư sang các nước đang phát triển để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu.
|