(VietNamNet) - Bộ Thương mại đang triển khai nhiều dự án phát triển thương mại điện tử(TMĐT) nhưng để TMĐT nhanh chóng đi vào thực tế sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả đòi hỏi phía doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng
Gánh nặng từ các văn phòng đại diện ở nước ngoài
Từ trước khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lưc, Anh Xuân - một hoạ sỹ có công ty riêng về lụa tơ tằm và thiết kế thời trang, dưới sự trợ giúp của người nhà là Việt kiều đã mạnh dạn mở một cửa hàng tại Mỹ. Tốn kém khá nhiều nhưng sau gần 5 năm hoạt động vẫn không đạt mục đích là tìm được nhà nhập khẩu lớn để phát triển sản xuất trong nước.
Anh cho biết "duy trì cửa hàng rất tốn kém từ tiền thuê mặt bằng, thuê người bán, thuê luật sư khi có việc cần... nhưng cửa hàng vẫn chủ yếu trông chờ vào một lượng bán lẻ ít ỏi, còn phần lớn chi phí công ty trong nước phải bao". Cuối cùng, do quá tốn kém, Anh Xuân đã đi đến quyết định đóng của hàng và tìm một hướng khác để thâm nhập thị trường phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp.
|
Nhiều văn đại diện ở nước ngoài của doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn. |
Gần đây, Chính phủ và các doanh nghiệp rất tích cực trong việc mở chi nhánh và văn phòng đại diện ở nước ngoài nhằm tăng cường xúc tiến xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam. Tuy nhiên, bước đầu các cơ sở này hoạt động khó khăn. Tại một cuộc hội thảo về xuất khẩu gần đây, đại diện Bộ Thương mại cũng cho biết: Trung tâm giới thiệu hàng hoá Việt Nam tại Mỹ đã được đầu tư khá bài bản với 6 phòng trưng bày, giao dịch nhưng bước đầu hoạt động còn nhiều khó khăn. Trung tâm vẫn chưa có nhiều doanh thu bằng việc môi giới hàng hoá, xúc tiến ký kết hợp đồng... mà kinh phí hoạt động vẫn trông chờ chủ yếu vào ngân sách trong nước cấp.
Một loạt doanh nghiệp xuất khẩu khác nhất là trong lĩnh vực thuỷ sản cũng đã thành lập chi nhánh ở Mỹ nhưng bước đầu hoạt động không hiệu quả.
Theo các chuyên gia, việc thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện để xúc tiến thương mại là rất cần thiết nhưng để có hiệu quả phải có cách làm rất năng động. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, khi hệ thống phân phối, bán lẻ ở đây đã có những quy luật hoạt động riêng, với sự chi phối của những tập đoàn phân phối trên mỗi lĩnh vực khác nhau, việc thâm nhập vào được hệ thống phân phối này không phải là dễ, không đơn giản như chuyện "bày hàng ra bán ở chợ". Tương tự không thể có chuyện cứ lập văn phòng đại diện là bán được hàng.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc thành lập các văn phòng đại diện, các trung tâm thương mại ở nước ngoài. Nhưng điều này không phải là dễ nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vì chi phí quá tốn kém.
Giảm chi phí bằng thương mại điện tử
Đi cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại bằng các phương thức truyền thống qua các hội chợ, diễn đàn, thành lập văn phòng đại diện, trung tâm giới thiệu háng hoá, thì trong thời gian gần đây TMĐT đã được nói đến như một giải pháp mới để doanh nghiệp mở rộng thị trường với chi phí rẻ hơn nhiều.
Một điều tra khá thuyết phục được Trung tâm Thông tin thương mại dẫn chứng về khả năng tiết kiệm chi phí trong giao dịch TMĐT cho thấy: Trong lĩnh vực ngân hàng, nếu giao dịch thủ công mất 1,75 USD, giao dịch thông qua cuộc gọi điện thoại mất 1,5 USD thì dùng hệ thống giao dịch ATM chi phí chỉ còn 0,25 USD và khi áp dụng TMĐT bằng hình thức hiện đại nhất là Internet Banking, chi phí chỉ là 0,5 cent.
|
Ứng dụng thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí. |
Theo tính toán, chi phí giao dịch thương mại đang chiếm từ 7 - 10% doanh số, nếu áp dụng TMĐT với mức tiết kiệm như dẫn chứng trên thì sẽ giảm được chi phí giao dịch đáng kể, bên cạnh đó là lợi nhuận do tăng doanh số bán hàng mang lại.
Hiện nay, một dự án Tổ chức triển khai, phát triển TMĐT đang được Bộ Thương mại triển khai. Dự án sẽ xây dựng 3 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, được trang bị kỹ thuật hiện đại, kết nối với các sàn giao dịch TMĐT nước ngoài. Ba sàn giao dịch này ngoài chức năng đầu tiên là trợ giúp các doanh nghiệp trong kinh doanh còn có ý nghĩa làm hạt nhân phát triển TMĐT cho cả nước.
Trong một nỗ lực khác Bộ Thương mại cũng đang triển khai một đề án lớn là xây dựng một Cổng TMĐT (ECVN) cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến cổng TMĐTsẽ được khai trương vào ngày 26/8 sắp tới.
Giai đoạn đầu, ECVN tập trung vào các ngành hàng có khối lượng giao dịch thương mại lớn và phù hợp với hình thức TMĐT như nông sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, điện tử, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, đồ gỗ... Các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín do Bộ Thương mại lựa chọn là những đối tượng đầu tiên được mời tham gia ECVN.
Bộ Thương mại, cho biết. "ECVN hỗ trợ các doanh nghiệp mua bán trực tuyến trên quy mô lớn theo mô hình "Doanh nghiệp tới doanh nghiệp" (B2B) để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả hơn.
Đây thực sự là những cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận TMĐT, phần còn lại là các doanh nghiệp cần nhanh chóng có sự thích ứng, đầu tư để tận dụng những cơ hội này. Cơ hội đang đến với tất cả các doanh nghiệp và ai "nhanh chân" sẽ được hưởng lợi trước.
|