Cú "nhảy" đột ngột từ 8,38 triệu đồng/lượng lên 8,48 triệu đồng/lượng vàng SJC vào cuối tuần qua đã khiến thị trường vàng rơi vào trầm lắng.
|
Giá vàng theo dự báo còn tăng trong thời gian tới. |
Ngày 13/8, giá vàng SJC tại TP.HCM giảm nhẹ còn 8,46 triệu đồng/lượng nhưng mãi lực thị trường không vì thế mà tăng lên...
Giá vàng thế giới đóng cửa cuối tuần giảm 4 USD/ounce xuống còn 446 USD/ounce sau khi tăng vọt từ 438,5 USD/ounce lên đến 450 USD/ounce vào ngày 12/8.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến giá vàng thế giới tăng cao, ông Huỳnh Trung Khánh - Giám đốc Công ty VGC (nguyên là Trưởng đại diện Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam) cho biết: "Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất USD thêm 0,25% lên 3,5%/năm không thể làm cho đồng USD mạnh lên sau khi Chính phủ Mỹ công bố thâm thủng ngân sách vẫn ở mức cao hơn tháng trước. Bên cạnh đó, giá dầu thô trên thế giới đang có xu hướng tăng cao nên giới đầu tư đã chọn vàng làm phương tiện bảo toàn vốn.
Trong khi nhu cầu vàng đang có xu hướng tăng thì nguồn vàng lại đang giảm. Ngân hàng Bỉ đã thực hiện bán quota vàng cuối cùng trong Thỏa thuận Washington (các ngân hàng châu Âu thỏa thuận mỗi năm chỉ bán ra thị trường 500 tấn vàng). Thêm vào đó, các thợ mỏ đào vàng ở Nam Phi đang đình công đã khiến nguồn cung vàng giảm mạnh".
Chịu tác động bởi diễn biến của giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng trong nước cũng biến động rất mạnh. So với ngày 1/8, giá vàng SJC hiện tăng đến 170.000 đồng/lượng... Chỉ trong ngày 12/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã phải điều chỉnh giá vàng SJC đến 5 lần.
Theo một nguồn tin không chính thức, từ đầu năm đến nay, các công ty kinh doanh vàng đã nhập khẩu khoảng 40 tấn vàng phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó vàng trong nước tăng giá không phải do thị trường ít hàng hóa. Ông Nguyễn Thành Long - Tổng giám đốc SJC - cho biết: "Hiện nay trên thị trường đang lưu thông hơn 700.000 lượng vàng SJC (tức khoảng 20 tấn vàng). Giá vàng trong nước đã liên thông với giá vàng thế giới nên giá thế giới tăng tức thì giá vàng trong nước cũng tăng".
Do giá vàng quá cao, mãi lực trên thị trường vàng giảm mạnh. Ở các cửa hàng kinh doanh vàng tại TP.HCM quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1), chợ An Đông (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)... ngày 13/8, không khí mua bán khá lặng lẽ. Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý TP.HCM (trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với thương hiệu vàng ba chữ A) - cho biết: "Giá vàng tăng cao không những không tiêu thụ được vàng miếng mà cũng chẳng thấy khách hàng bán vàng ra.
Như mọi năm, thị trường vàng miếng trong tháng này bán rất chậm. Khách hàng mua vàng miếng chủ yếu để thanh toán tiền nhà đất. Thế nhưng tình hình thị trường bất động sản hiện nay đang khựng lại vào tháng 7 âm lịch (tháng "cô hồn") nên nhu cầu vàng miếng cũng giảm hẳn".
Người chịu ảnh hưởng lớn nhất khi giá vàng tăng cao là những khách hàng vay vàng hoặc thanh toán nhà đất bằng vàng. Một độc giả ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết vào năm 2000, ông vay vàng mua nhà, lúc đó giá vàng chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 1 - 2 năm sau, giá vàng liên tục tăng, số tiền phải trả cho ngân hàng quy đổi từ giá vàng tăng liên tục từng tháng khiến ông quá sức mệt mỏi.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: lãi vay vàng thấp hơn lãi vay tiền đồng từ 4 - 5%/năm, đây là lý do khiến khách hàng lựa chọn vàng để vay. Tuy nhiên từ hơn 1 năm trở lại đây, giá vàng không có dấu hiệu giảm nên khách hàng cũng tỏ ra e ngại khi vay vàng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng vàng mà các ngân hàng trên địa bàn cho khách hàng vay liên tục giảm mạnh, so với cuối năm 2004, lượng vàng cho vay hiện nay đã giảm hơn 35%.
Ông Huỳnh Trung Khánh dự báo: "Theo chu kỳ thì qua tháng 9 giá vàng thế giới mới bắt đầu tăng nhưng tình hình hiện nay cho thấy giá vàng đã tăng sớm hơn. Khi giá vàng tăng đụng ngưỡng 450 USD/ounce thì tức khắc một ngưỡng mới được thành lập, đó là 455 USD/ounce. Có thể qua tháng 9, giá vàng sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn do các công ty kinh doanh vàng chuẩn bị hàng hóa cho mùa Giáng sinh, năm mới".
(Theo Thanh Niên) |