Vở, dụng cụ học sinh "lăm le" tăng giá
08:46' 16/08/2005 (GMT+7)

Tập vở và dụng cụ học sinh đang bước vào mùa, song phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, phong phú chủng loại và đa dạng mẫu mã.

Tập vở: bìa không bắt mắt

Theo các nhà sản xuất tập vở học sinh, nhu cầu sử dụng tập năm nay chỉ tăng khoảng 5% so với năm trước, ước trên 130 triệu cuốn tập, nên không có hiện tượng hút hàng ồ ạt. Nhưng giá tập đang “lăm le” tăng khi hầu hết giá nguyên liệu đầu vào đang leo thang từng ngày.

Soạn: AM 125172 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lăm le tăng giá...

Ông Đỗ Quý Mạnh, phụ trách kinh doanh Công ty Phát hành sách (Fahasa), cho biết năm nay Fahasa đưa ra thị trường khoảng 6 triệu cuốn tập, tăng 20% so với năm ngoái, giá bán gần như không đổi, trung bình 2.800-4.500 đồng/cuốn.

Có sản lượng sản xuất nhiều nhất hiện nay, ước đạt 65-66 triệu cuốn tập, Công ty cổ phần giấy tập Vĩnh Tiến dù chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất nhưng cũng không chắc sẽ duy trì mức giá như hiện tại. Các loại tập có mức giá 2.500-3.000 đồng/cuốn (loại 96 trang), hoặc 4.000-6.000 đồng/cuốn (loại 200 trang) bán chạy nhất.

Một số thương hiệu tập vở quen thuộc khác ở TP.HCM như Thuận Tiến, Tiến Phát, Lệ Hoa, Kiến Thành... lại chọn thị trường ở các quận vùng ven hoặc các tỉnh để “đánh hàng” thông qua các hệ thống đại lý bán lẻ. Theo các điểm kinh doanh giấy tập khu vực Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM), giá bán của các loại tập này thường dao động ở mức 2.000-2.800 đồng/cuốn, tăng 50 đồng/cuốn so với đầu năm và dự kiến sẽ còn tăng.

Ghi nhận cho thấy các mẫu bìa tập vở học sinh năm nay trên thị trường không có sự nổi bật về hình ảnh lẫn ý tưởng. Dù tung ra 16 mẫu bìa mới, nhưng hầu hết mẫu bìa của Fahasa chủ yếu vẫn đi theo bốn thể loại truyền thống của Fahasa bấy lâu nay: phong cảnh, hoa, hoạt hình và các khối hình lập thể.

Các nhà sản xuất khác cũng không có ý tưởng nào mới cho các mẫu bìa tập của mình, ngoài việc in lại những mẫu tập đã có từ các năm trước. Vĩnh Tiến năm nay bắt mắt với người mua không phải ảnh bìa mà là những cải tiến nho nhỏ bên trong: phía dưới mỗi cuốn tập đều có các từ vựng tiếng Anh dễ nhớ, dễ học.

Vất vả “sống chung” với hàng Trung Quốc

Dụng cụ học sinh Trung Quốc (TQ) vẫn tràn ngập các nhà sách, từ cục gôm (tẩy) nhỏ xíu đến cây thước, cây bút... với kiểu dáng, màu sắc bắt mắt hơn hẳn. Một cây bút máy của TQ giá  chỉ 11.000-16.000 đồng/cây, nhìn rất chắc chắn, sắc sảo; trong khi tìm không thấy hàng trong nước.

Hộp và ví đựng bút cũng không thấy hàng nội, trong khi hàng TQ rất đa dạng với đủ các chất liệu nhựa, nhôm, vải..., giá 10.000-20.000 đồng/cái. Sổ bìa cứng dành ghi chép hằng ngày, nhật ký, lưu bút dành cho học sinh cũng do hàng TQ “độc diễn”. “Tụi em cũng muốn mua hàng trong nước làm, giá rẻ bằng nửa hàng TQ thôi nhưng lại không đẹp bằng nên bọn bạn em thích xài hàng TQ hơn!” - một học sinh tìm mua dụng cụ học sinh ở nhà sách Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) nói.

Tại chợ Bình Tây (Q.6), các sạp chuyên bán sỉ và lẻ dụng cụ học sinh cho biết sức mua đã tăng gấp đôi ngày thường trong mùa cận khai trường. Hàng phục vụ học trò đang nườm nượp đóng sỉ về các tỉnh. Cặp nội nguyên liệu vải nilông, dây kéo đến khóa nhựa, quai đeo... không kém hàng TQ nhưng giá chỉ 35.000-95.000 đồng/cái.

Các chủ sạp cho hay hàng TQ không thiếu thứ gì: hộp đựng viết, compa, thước kẻ, bút chì, bút máy..., giá rất mềm nên hàng nội cạnh tranh khá chật vật. Các loại balô, túi xách trong nước dành cho học sinh cấp II trở lên bị hàng TQ “nuốt chửng” với giá khoảng 50.000-85.000 đồng/cái, mẫu mã đa dạng. Chỉ có cặp học sinh cấp I xem ra hàng TQ bị đánh bật khỏi thị trường trong nước do giá quá cao, 150.000-170.000 đồng/cái.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cà phê xuất khẩu được giá nhưng đói hàng (15/08/2005)
Đà Nẵng: Không phải “casino”, chỉ có “khu giải trí đặc biệt” (15/08/2005)
Mexico mê... cá rô phi Việt Nam (15/08/2005)
Mua nhà: Thiên đường trên giấy (15/08/2005)
Lãi suất, vàng, xăng dầu tăng: thị trường lao xao (15/08/2005)
Giá vàng đang nhảy múa (14/08/2005)
Xây dựng thương hiệu qua bóng đá: thắng & thua! (14/08/2005)
Giảm phí giao dịch 350 lần bằng thương mại điện tử (14/08/2005)
Cước viễn thông: VNPT sẵn sàng chiến dịch đại hạ giá! (13/08/2005)
Giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng (13/08/2005)
Lượng khách quốc tế đến VN tăng 24% (12/08/2005)
Xuất khẩu giày da tăng trở lại (12/08/2005)
Doanh nghiệp TP.HCM đi mở thị trường Đông Âu (12/08/2005)
Nở rộ nhượng quyền kinh doanh thương hiệu (12/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang