Mỹ phẩm nam vẫn núp bóng phụ nữ!
06:31' 17/08/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mỹ phẩm nam đã mang đến những thành công vượt sức tưởng tượng cho nhiều hãng mỹ phẩm trên thế giới, nhưng tại VN thị trường này chưa được quan tâm đúng mức, dù đây là mặt hàng có lượng khách lớn, thu nhập ổn định (hoặc cao) và chịu tiêu xài. 

Nhu cầu có thật 

Soạn: AM 517729 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sản phẩm nước hoa hiệu BVLGARI do Công ty A&Q nhập về giới thiệu trên thị trường.

Theo các tạp chí y khoa, nam giới có làn da dày và nhờn hơn phụ nữ đến 20%, do vậy tế bào chết cũng tích tụ nhiều hơn. Đó là chưa kể đàn ông phải đối đầu với rất nhiều nguyên nhân gây stress do lối sống, áp lực công việc, ô nhiễm môi trường… Do vậy, bên cạnh các sản phẩm đơn giản như bọt cạo râu, nước hoa, lăn khử mùi thì nam giới cũng rất cần những sản phẩm “làm đẹp” khác như làm sạch da (chống nhờn), trị mụn, chống nắng, giảm nếp nhăn…

Ông Đoàn Anh Quân, Giám đốc A&Q - Công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm ngoại nhập cao cấp như Clarins, BvlGari, EsterLauder… cho hay, trong những năm gần đây trên thị trường VN đã có chỗ đứng cho các sản phẩm mỹ phẩm nam (for men). Người đàn ông phải làm việc trong môi trường mở rộng và giao tiếp xã hội nhiều thì cũng rất cần chú trọng đến hình thức bên ngoài. Sử dụng mỹ phẩm là biểu hiệu của nền văn hoá tiêu dùng, hoàn toàn phù hợp với phong cách của người đàn ông hiện đại.

Hiện hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới đều đã sản xuất mỹ phẩm dành cho nam như Shiseido có các sản phẩm bảo vệ lớp sừng, Clarins có sản phẩm cân bằng độ bài tiết hay LG Debon có dòng sản phẩm làm mềm mát và dưỡng da sau cạo râu...

Nhưng chưa có "sân chơi" riêng

Theo khảo sát, nhiều khách hàng nam cho biết một trong những lý do khiến họ chưa “mặn” với mỹ phẩm là cách sử dụng còn quá rườm rà, nhiều công đoạn, mất thời gian.

Nhiều người còn hiến kế rằng nên chăng các loại kem, sữa dưỡng da dành cho nam nhà sản xuất tẩm vào loại khăn giấy mềm (khăn ướt giống như khăn lau người em bé hiện có bán trên thị trường).

Như vậy, người sử dụng chỉ cần dùng khăn lau mặt là thay thế được công đoạn thoa kem dưỡng da. Đó cũng là ý kiến để DN tham khảo.

Tuy hầu hết các hãng mỹ phẩm đều có sản xuất mỹ phẩm dành cho nam nhưng chưa có DN nào đầu tư các điểm bán hàng phục vụ riêng cho nam hay có những chương trình quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ về các sản phẩm này. Do vậy, doanh số bán hàng cũng như mức độ tiêu thụ vẫn còn thấp: tăng khoảng 5 - 10%/năm, trong khi tốc độ tiêu thụ của mỹ phẩm dành cho phụ nữ tăng từ 30 đến trên 50%/năm tại VN.

Theo một số khách hàng nam, việc mua mỹ phẩm trên thị trường hiện nay còn có quá nhiều bất tiện. Mua ở siêu thị thì dễ chọn nhưng ít có mặt hàng dành cho nhu cầu chăm sóc da đặc biệt, hàng hóa đơn điệu và không có người tư vấn kỹ về sản phẩm. Còn ở các cửa hàng mỹ phẩm hay chợ thì phần lớn vẫn là “nơi chốn” mua sắm của “chị em”, đàn ông mà vào những chỗ ấy thì cảm thấy e ngại và bất tiện. Còn mỹ phẩm ở trong các thẩm mỹ viện thì thường có giá quá cao, khách hàng bình dân không dám vào.

Một số nam giới đã trả lời VietNamNet rất cần dùng mỹ phẩm để bảo vệ da nhằm chống mụn, mồ hôi nhờn, nếp nhăn… nhưng hiện chưa tìm được “sân chơi” phù hợp. Theo các “thượng đế tiềm năng” này, “sân chơi” phù hợp có thể là một cửa hàng chuyên cung cấp các loại mỹ phẩm dành cho nam để họ tự tin hơn khi mua mỹ phẩm cho mình.

Được biết, hầu hết các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang tại các nước châu Âu đều có một không gian riêng chỉ dành để bán mỹ phẩm, đồ kim hoàn phục vụ quí ông.

DN còn rộng đường

Nhìn lại con đường chinh phục “phái mạnh” của các hãng mỹ phẩm trên thế giới lâu nay, có thể thấy thị phần mỹ phẩm nam đã dành cho họ nhiều thành công bất ngờ. Nhãn hiệu Biotherm từ 1997 đến 2002 nhờ tung ra thị trường 45 sản phẩm “làm đẹp” cho nam như kem cạo râu, kem chống nhăn da, kem lột da mặt… đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 250%. Tiếp theo, các “nữ hoàng sắc đẹp” khác trên thế giới như Lancôme, Clarins, L'Oreal... cũng mau chóng nhảy vào tranh giành thị trường này.

Tại thị trường VN tuy các thương hiệu thế giới đã có mặt (thông qua các nhà phân phối) song các sản phẩm này chưa được phổ biến rộng rãi và nhiều như sản phẩm dành cho nữ. Một vị khách nam đã nói đùa rằng “mỹ phẩm nam đang phải núp bóng phụ nữ”. Trong khi đó, đây là mặt hàng có lượng khách lớn vì những người chịu chi xài cho mỹ phẩm phần lớn là người có thu nhập ổn định hoặc thu nhập cao. Đây là cơ hội kinh doanh đáng chú ý cho DN mỹ phẩm, nhà phân phối và nhà bán lẻ chuyên nghiệp.

·         Bài, ảnh: Nguyễn Sa

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vạch đường đi bằng triết lý kinh doanh (17/08/2005)
Công điện chống đầu cơ xăng dầu: dấu hiệu của tăng giá? (16/08/2005)
Bán băng vệ sinh qua máy bán hàng tự động! (16/08/2005)
Bắt nhiều vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn (16/08/2005)
Xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu đột phá (16/08/2005)
Vở, dụng cụ học sinh "lăm le" tăng giá (16/08/2005)
Cà phê xuất khẩu được giá nhưng đói hàng (15/08/2005)
Đà Nẵng: Không phải “casino”, chỉ có “khu giải trí đặc biệt” (15/08/2005)
Mexico mê... cá rô phi Việt Nam (15/08/2005)
Mua nhà: Thiên đường trên giấy (15/08/2005)
Lãi suất, vàng, xăng dầu tăng: thị trường lao xao (15/08/2005)
Giá vàng đang nhảy múa (14/08/2005)
Xây dựng thương hiệu qua bóng đá: thắng & thua! (14/08/2005)
Giảm phí giao dịch 350 lần bằng thương mại điện tử (14/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang