(VietNamNet) - Giá xăng dầu tăng đã được nhiều doanh nghiệp vận tải dự tính đến trong kế hoạch kinh doanh của mình từ nay đến cuối năm. Nhưng việc tăng giá từ 1.000đ/lít (dầu Diesel) và 1.200 đồng/lít (xăng) khiến cho nhiều doanh nghiệp giật mình.
>> Tăng giá xăng lên 10.000 đồng/lít >> Tăng giá xăng dầu: nhiều ngành tăng chi phí gần 10%
Vận tải hành khách kêu khổ!
|
Kinh doanh vận tải chịu tác động lớn từ tăng giá xăng dầu. |
Anh Phạm Quang Vinh - Đoàn trưởng Đoàn xe 4 - Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội cho biết, chỉ riêng tuyến Hà Nội - Ninh Bình, đoàn có 15 xe thì trung bình mỗi tháng phải bù thêm 45 triệu đồng. Cả Đoàn 4 hiện có 150 xe, chạy rất nhiều tuyến trên cả nước, thì mức bù lỗ sẽ lên đến 500 triệu đồng/tháng.
Mặc dù mới đây, Chính phủ đã cho tăng giá vận tải lên tối đa 8%, nhưng mức tăng này cũng khó mà bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp vì sau hai lần tăng giá gần đây, giá xăng đã tăng thêm khoảng 20%. Điều này đã đủ để nói lên khó khăn lớn mà doanh nghiệp vận tải đang chịu đựng.
Anh Vinh cũng cho biết, việc tăng giá xăng sẽ tạo thuận lợi cho các xe tư nhân sẵn sàng lấy thừa khách, bỏ rơi chất lượng dịch vụ để cạnh tranh bằng giá vé.
Với quy mô nhỏ hơn, anh Nguyễn Hữu Lượng - Chủ một tổ hợp vận chuyển hành khách ở thành phố Vinh nói như than thở: giá tăng cao quá, mỗi lần bơm xăng bây giờ mất thêm hơn 100.000 đồng nữa, bằng một ngày lương của lái xe loại khá.
Theo anh Lượng, xe của anh chủ yếu chạy chuyến Vinh - Hà Nội - Quảng Ninh, mỗi chuyến chạy suốt, với giá cũ phải bơm đầy thùng dầu diesel mất khoảng 700.000 đồng tương đương khoảng 110 lít. Nếu tính theo mức giá mới thì mỗi lần bơm phải mất khoảng 110.000 đồng, cả hai lượt đi về mất thêm tối thiểu là 220.000đồng/xe.
Việc tăng giá xăng dầu có thể làm cho rất nhiều doanh nghiệp sẽ tăng giá vé vào dịp 3 ngày nghỉ lễ 2/9, khi "mượn cớ" nhu cầu đi lại tăng cao. Đó là điều khó tránh khỏi, vì như chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đã thừa nhận tại cuộc họp báo tăng giá xăng dầu là chi phí của vận tải đường bộ sẽ tăng 10%.
Ông Vũ Ngọc Nam - Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, theo tính toán của ông, cứ 100 km các loại xe trung bình tiêu thụ khoảng 10 lít xăng dầu với mức tăng giá này thì chi phí lên rất lớn. Xăng dầu hiện chiếm phấn lớn trong chi phí vận tải vì vậy khó khăn sẽ càng lớn hơn.
Với việc tăng giá xăng dầu liên tục như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp vận tải đang tính đến chuyện tăng giá vé. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, vào thời điểm nào thì còn phải tính toán
|
Người tiêu dùng đang chuẩn bị đối đầu với đợt tăng giá mới của nhiều mặt hàng "ăn theo" xăng. Ảnh: Nguyễn Sa |
DN taxi “chịu trận”
Ông Huỳnh Văn Sĩ - Phó Giám đốc Hãng Taxi VinaSun cho biết, xăng chiếm khoảng 20% giá thành của dịch vụ taxi. Mỗi lần xăng tăng là DN kinh doanh taxi phải đối đầu với vấn đề sụt giảm doanh thu. “DN taxi không được tự ý tăng giá cước, phải chờ xin ý kiến và thông qua Hiệp hội Taxi duyệt. Trong thời gian này thì DN phải chịu trận thôi. Vấn đề chúng tôi lo lắng nhất là Chính phủ không chế mức giá cước vận tải chỉ được tăng tối đa 8%, giá xăng 10.000đ là đã “đụng trần” cho mức tăng cước này, nếu giá xăng còn tăng nữa thì DN taxi phải làm sao?”
Cũng theo ông Sĩ, mỗi lần thay đổi giá cước là DN taxi phải tốn một mớ tiền không họach toán vào đâu được. Đó là các khoản tháo niêm chì ra để lập trình giá cước mới trên đồng hồ, đóng phí dán tem kiểm định mới. Chi phí kiểm định cho một xe là 700.000 đồng, và mỗi xe mất một ngày nghỉ để chờ kiểm định ước tính là 600.000 đồng doanh thu/ngày. Như vậy tính sơ qua VinaSun sẽ tốn trên 900 triệu đồng cho 700 chiếc taxi.
Theo Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn Thông (Sacom) thì việc tăng giá xăng dầu sẽ đội chi phí sản xuất của công ty lên rất nhiều. Trung bình mỗi ngày Sacom vận chuyển 1.000 tấn đồng, 1.500 tấn nhựa, 2.000 tấn gỗ nguyên liệu… và 1.000 nguyên vật liệu linh tinh từ Cảng Sài Gòn về công ty; và cũng chừng đó số lượng hàng thành phẩm được công ty vận chuyển đi khắp các nẻo đường để cung cấp cho khách hàng.
Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc điều hành Sacom cho biết, phí xăng dầu chiếm 2% doanh thu trực tiếp của Sacom. Tuy vậy, trước việc xăng tăng giá ông Trắc có thái độ rất chia sẻ với nhà nước: “Tôi nghỉ việc xăng dầu tăng giá là tất yếu vì chúng ta không thể bao cấp mãi, DN phải chia sẻ khó khăn với đất nước lúc này. Tôi sẽ cố gắng cắt giảm những chi phí khác không cần thiết và cố gắng tiết kiệm điện, nước… để bù vào chi phí xăng dầu”.
“Tội nhất là ngư dân!”
Trao đổi với ông Trần Văn Hiến, Giám đốc DNTN Hải Hiến, DN chuyên thu mua chế biến thủy hải sản và vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. Ông Hiến cho hay, một chuyến đi thu mua thủy hải sản của công ty Hải Hiến là tiêu thụ khoảng từ 10.000 - 14.000 lít xăng/ghe. Dầu tăng 1.000 đồng/lít nghĩa là DN tốn thêm từ 10 - 14 triệu đồng/chuyến đi, đây là con số khá lớn và gây khó khăn nhiều cho DN.
“Giá xuất khẩu thủy hải sản đâu phải muốn tăng lúc nào là tăng, chưa kể đây là giai đọan ngành thủy hải sản VN gặp khó trong khâu xuất khẩu. So với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia… thì hiện nay giá nguyên liệu thủy hải sản xuất khẩu của VN còn cao hơn vài đô-la/1kg nên nhiều nước nhập khẩu còn muốn ép giá hàng VN xuống nữa huống gì tính đến chuyện tăng” - ông Hiến nói.
Là DN kinh doanh trong ngành thủy hải sản ông Hiến cũng hiểu rất rõ họat động làm ăn của bà con ngư dân. Theo ông Hiến, trước đây nguồn tài nguyên biển (thủy hải sản) còn dồi dào nên ngư dân dễ sống, nay nguồn tài nguyên cạn kiệt (muốn đánh bắt phải đi xa bờ nhưng hiệu quả không cao như trước) khiến ngư dân hết sức lao đao.
Với mức giá dầu mới tính ra mỗi chuyến đi biển một chủ thuyền phải tốn thêm gần 10 triệu đồng (một thuyền tiêu tốn khoảng 8.000 lít dầu/chuyến đánh bắt xa bờ). “Mình là DN còn gắng gượng chịu lỗ một thời gian để tìm thời cơ, chỉ tội cho ngư dân, họ phải chịu nhiều thiệt thòi!” - ông Hiến boăn khoăn.
|