|
Gạo xuất khẩu |
Giải thích nguyên nhân này, Giáo sư kinh tế Jose Tongzon đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore đã cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được những lợi thế từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu mà khu vực mậu dịch tự do ASEAN đã đem lại để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này. Thực tế là năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang các nước ASEAN chỉ được 3 tỷ USD Mỹ, tăng chút ít so với năm 2001.
Ngay như với Hà Nội, sau 3 năm, xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng thêm được 5 triệu USD Mỹ, trong khi đó nhập khẩu lại tăng mạnh.
Ông Vũ Duy Thái, Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội nói: "Giảm thuế thì điều kiện nhập khẩu của các nước ASEAN vào Việt Nam tăng lên, trong khi các nước xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đó lại kém đi. Nguyên do là các nước kia không phải là các nước làm ra nguyên liệu, những nước đó là nước quá cảnh nguyên liệu. Họ có thể nhập từ các nước và bán sang Việt Nam".
Việc ASEAN cắt giảm thuế nhập khẩu mà hàng hoá của Việt Nam xuất sang thị trường này không tăng lên được các nhà kinh tế gọi là hiệu ứng chuyển hướng thương mại. Hiệu ứng này đã làm cho buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng lên nhanh chóng. Vào Trung Quốc hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao vì không phải chi phí vận tải biển và gần gũi về văn hoá.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, Cựu Tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino cho rằng các doanh nghiệp cần phải giảm giá thành nhiều hơn nữa. Và để làm được điều này trước hết hãy tận dụng cơ hội từ chính AFTA. Bởi vì, chỉ cần một sản phẩm có 40% được sản xuất ở ASEAN là đã có thể được miễn thuế nhập khẩu.
Ông Rodolfo Severino, Nguyên Tổng thư ký ASEAN nói: "Với AFTA nhập khẩu nguyên liệu mà không có thuế nhập khẩu thì sẽ xuất khẩu trở lại mà không phải chịu thuế. Tôi nghĩ rằng, mỗi một công ty cần xem xét chính điều kiện của mình và tận dụng những thuận lợi để có thể đưa hàng hoá vào thị trường ASEAN và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ ASEAN. Hãy luôn nhớ là buôn bán trong ASEAN không phải chịu thuế nhập khẩu".
Khai thác được thị trường ASEAN còn đem lại một lợi ích lâu dài đối với Việt Nam, vì một mặt vừa giữ được một thị trường truyền thống vừa có thể tăng cường được khả năng cạnh tranh khi bước vào những thị trường lớn hơn.