Hiện tượng thành lập doanh nghiệp không nhằm sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua bán hóa đơn khống, trốn thuế và lấy tiền của ngân sách nhà nước (thường được gọi là doanh nghiệp "ma") đang bùng phát trở lại...
|
Vấn nạn doanh nghiệp |
Theo số liệu tổng hợp mới đây nhất của Cục thuế Hà Nội, từ đầu năm 2005 đến nay trên địa bàn Thủ đô đã có tới 453 doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh mang theo hơn 9.000 bộ hóa đơn, con số này trong năm 2004 tương ứng là 499 doanh nghiệp và 46.000 bộ hóa đơn và năm 2003 là 240 doanh nghiệp và 39.000 bộ hóa đơn.
Số lượng doanh nghiệp "ma" kiểu này trong cả nước ước tính có tới hàng nghìn.
Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương báo cáo về tình hình doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa bàn và mua bán hóa đơn bất hợp pháp sau đó tổng hợp, nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện để có thể đưa ra cơ chế quản lý và kiến nghị những giải pháp xử lý có hiệu quả nhất.
Thành lập doanh nghiệp "ma" - một vốn nhiều lời
Những vụ việc đã được điều tra, khám phá trong thời gian qua cho thấy thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là đứng ra thuê người ở nhiều nơi làm chủ doanh nghiệp, kế toán viên. Mọi chi phí và điều hành hoạt động chủ doanh nghiệp, "bù nhìn rơm" không hề biết.
Trong đó, loại hình doanh nghiệp "ma" phổ biến nhất là công ty TNHH, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp có số vốn tự kê khai hàng tỷ đồng song khi kiểm tra thực tế thì địa điểm là đi thuê mướn, không có tài sản, phương tiện để sản xuất kinh doanh. Thực chất hành vi này là để có được tư cách pháp nhân và sử dụng hóa đơn khống nhằm mục đích khấu trừ thuế, hoàn thuế, thanh toán tiền của ngân sách Nhà nước... khi bị phát hiện thì bỏ trốn.
Các doanh nghiệp "ma" thường kê khai thuế khống hàng tháng, các bảng kê hàng hóa mua vào hầu hết qua xác minh đều là các hóa đơn của những doanh nghiệp đã và đang vi phạm, mức thuế giá trị gia tăng hàng tháng khá đều đặn nhưng số thuế phải nộp ít (thường thấp hơn 1 triệu đồng/tháng), ngoài ra khi kê khai thuế, doanh số mua vào bán ra trên mỗi số hóa đơn rất lớn. Các doanh nghiệp này thường không có hàng hóa tồn kho, hàng thường được thể hiện trên giấy tờ là bán ra cho các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.
Một thủ đoạn khác của các doanh nghiệp "ma" là vẫn báo cáo tình hình hóa đơn đã sử dụng nhưng thực chất là chưa viết hóa đơn mà để dành bán cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu.
Với một giấy chứng minh thư nhân dân và vài triệu đồng lo làm thủ tục là người ta đã có thể thành lập doanh nghiệp, đăng ký mã số thuế, mua và sử dụng một vài quyển hóa đơn (50 hóa đơn/quyển). Hiện nay trên thị trường đối tượng chỉ cần xuất khống 1 hóa đơn giá trị gia tăng là đã kiếm được từ 20% - 50% số tiền thuế.
Một quan chức ngành thuế cho biết, vấn nạn này làm ngân sách Nhà nước thất thu khá lớn trong các khoản thuế giá trị gia tăng, song chưa đáng kể gì so với việc những đơn vị thụ hưởng ngân sách trở thành "đối tác" của các doanh nghiệp "ma" để có được "hóa đơn ma" nhằm "móc túi" ngân sách Nhà nước.
Để có được "siêu lợi nhuận" kiểu này, nhiều đối tượng đã thành lập thành đường dây nhiều doanh nghiệp "ma" buôn bán hóa đơn, chiêu mộ đám xe ôm, bán thịt lợn, thợ xây... làm giám đốc doanh nghiệp.
Chẳng hạn như vụ Nguyễn Thị Thoa ở Thái Bình dựng lên hơn ba chục doanh nghiệp "ma" chiếm đoạt của Nhà nước hàng chục tỷ đồng, hay nghiêm trọng hơn nữa là đường dây mua bán hoá đơn thuế giá trị gia tăng của Huỳnh Quốc Ngọc trú tại quận Tân Bình, Tp.HCM cầm đầu cùng đồng bọn đứng ra thành lập đến 34 doanh nghiệp tại địa bàn thành phố Cần Thơ.
Tổ chức của bọn chúng có sự phân công khá "chuyên môn hóa" tới từng nhóm: nhóm "tuyển mộ" giám đốc, nhóm chuyên làm thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, nhóm điều hành doanh nghiệp "ma", nhóm chuyên tìm nguồn buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng và cả ê kíp lập báo cáo thuế...
Hàng rào luật còn nhiều chỗ để lách
Theo nhận định của các cán bộ ngành thuế, công an kinh tế và luật sư thì yếu tố đầu tiên là thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được sửa đổi tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng đã bị các đối tượng lợi dụng để thành lập doanh nghiệp "ma".
Bên cạnh đó, quy trình cấp bán hóa đơn hiện nay chưa quy định cụ thể về việc phối hợp đối chiếu hàng tháng, hàng quý của các phòng, tổ quản lý ấn chỉ với phòng, đội quản lý doanh nghiệp về tình hình cấp bán và sử dụng hóa đơn cho các doanh nghiệp; công tác xác minh, xử lý hóa đơn đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp ma còn sơ hở về quy định thời gian.
Ngoài ra, quy định về thủ tục mua hóa đơn lần thứ hai trở đi cùng tháng với lần mua đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập cũng tạo ra sơ hở cho doanh nghiệp ma lợi dụng.
Theo hướng dẫn của Thông tư 99/2003/TT-BTC, các lần mua tiếp theo, doanh nghiệp không phải làm bảng kê hóa đơn của hàng hóa dịch vụ bán ra, không phải làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn vì đang trong tháng chưa đến thời điểm làm báo cáo và kê khai thuế giá trị gia tăng.
Vì vậy, doanh nghiệp "ma" có thể lợi dụng mua nhiều lần, nhiều quyển hóa đơn trong 1 tháng mặc dù thực tế không sử dụng hết.
Để dần dần hạn chế, khắc phục tình trạng này, chống thất thu ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Các bộ ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Về phía ngành thuế, Phó tổng cục trưởng Phạm Duy Khương cho rằng với các doanh nghiệp khi được thành lập cần phải thẩm định kỹ những chỉ tiêu như nhân thân giám đốc, chủ cơ sở kinh doanh về năng lực, trình độ, về vốn, trụ sở địa điểm kinh doanh sản xuất.
Tổng cục Thuế cũng đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu báo cáo của các cục thuế địa phương về tình hình doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa bàn và mua bán hóa đơn bất hợp pháp để có thể đưa ra sửa đổi, bổ sung về cơ chế quản lý thu thuế, hóa đơn... và kiến nghị những giải pháp xử lý có hiệu quả nhất.
Ngoài ra, để hoạt động thanh toán được rõ ràng, minh bạch, các cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, chúng ta cần tiến tới áp dụng thanh toán qua ngân hàng. Những giấy "báo có", "báo nợ" của ngân hàng sẽ là cơ sở hóa đơn chứng từ chính xác nhất đối với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, ông Khương cũng nhận định rằng các bộ, ngành, các cấp cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa, hỗ trợ cung cấp thông tin liên ngành thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh, công an, ngân hàng, để các ngành liên quan cùng phối hợp chặt chẽ trong việc chống gian lận thuế...
(Theo Thời báo Kinh tế VN) |