(VietNamNet) - Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trong việc liên kết phát triển du lịch tại tiểu vùng sông Mêkông (Việt Nam, Lào và Campuchia), mỗi nước đều có khó khăn riêng; song, các nước cần tháo gỡ để cùng phát triển.
|
Du lịch đang mang lại hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động. |
Tại Hội nghị lần 4 Ban chỉ đạo tiểu vùng Dự án Phát triển Du lịch Mêkông, diễn ra hôm 12/9 tại Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia Trevor Sofield cho biết, trong khi Campuchia gặp rắc rối trong việc làm thế nào để giảm thiểu rủi ro do yếu tố chính trị tác động đến phát triển du lịch (đặc biệt ở vùng biên giới), cơ sở hạ tầng yếu kém và thông tin du lịch hạn chế, thì Lào lại vấp phải những vấn đề về nguồn nhân lực cũng như liên kết giữa tư nhân và Nhà nước trong việc làm du lịch. Đó là chưa kể Lào có diện tích biên giới quá rộng, trên 1.000 km2.
Tại Việt Nam, theo ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Tổng cục Du lịch), chúng ta đang gặp khó khăn do những quy định khác biệt về tài chính. Đồng lương của nhân viên làm dự án lại quá thấp so với các dự án vay vốn ODA khác.
Trong khi đó, Dự án Phát triển Du lịch các nước tiểu vùng sông Mêkông lại chưa có lộ trình thực hiện cụ thể, thống nhất, dẫn tới bị động. Ông Hà lấy dẫn chứng như hội thảo tại Lào và Campuchia vừa qua về phát triển nhân lực cho du lịch, đoàn Việt Nam không thể tham gia vì không kịp sắp xếp về thời gian và tài chính.
Một vấn đề nữa là khi cùng tham gia dự án, mỗi nước có một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, với sự tham gia của các nước khác có sông Mekông chảy qua (Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar), với ngành công nghiệp du lịch phát triển hơn thu hút lượng du khách khổng lồ, thì lợi nhuận sẽ bị thu giảm. Đó là thách thức lớn đối với các nước kém phát triển hơn.
Do vậy, ông Hồ Việt Hà đã đề xuất xây dựng một lộ trình thống nhất để các nước cùng thực hiện, nhất là mặt thời gian. Ngoài ra, Việt Nam cũng kiến nghị xây dựng trang web cho dự án để các nước có thể tìm hiểu thông tin, trao đổi và thông báo, cập nhật tin tức, sự kiện mới nhất.
Dự án Phát triển Du lịch sông Mêkông do ADB tài trợ, thực hiện từ 9/2003 đến hết 2007, với tổng kinh phí 12,2 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn ADB là 8,5 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của phía Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai thực hiện 6 tiểu dự án, gồm, 4 ở An Giang và 2 ở Tiền Giang. Song song đó là phát triển các sản phẩm du lịch để thu hút khách, như đảo Thới Sơn, làng thủ công mỹ nghệ là xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) hay xã Mỹ Hòa Hưng, làng Chăm (An Giang)... Thời gian tới Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống thanh toán tài chính ở các địa phương, lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà Trung tâm thông tin về du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Saigontourist, đánh giá du lịch đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các địa phương có sông Mêkông chảy qua, giúp người nghèo Việt Nam tranh thủ kiếm thêm ngoài các nguồn thu nhập chính, điển hình như 400 đò chèo hoạt đông phục vụ khách tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Bên cạnh đó, theo ông Thọ, các địa phương còn đa dạng hóa được hoạt động kinh tế, nhất là vùng sâu, vùng xa và kém phát triển. Du lịch và sản phẩm du lịch tạo khả năng mở những dịch vụ có quy mô nhỏ nên không gây ra rào cản lớn đối với người nghèo ít vốn, giúp họ thu lợi trực tiếp từ những dịch vụ, sản phẩm cung cấp cho du khách.
|