(VietNamNet) - Thời gian gần đây lượng khách đến Việt Nam thông qua MICE - loại hình du lịch du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển mạnh. Cánh cửa nền công nghiệp “không khói” đang mở dần, song liệu có đón được "cơ hội vàng"?
|
Một đoàn khách MICE đang tham quan vườn lan tại TP.HCM. |
Khách MICE sẽ tiếp tục tăng
Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist - một trong những đơn vị đưa MICE vào hoạt động sớm nhất tại VN cho hay, hiệu quả của MICE là nhờ lượng khách đông, tập trung, có mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài ngày.
Trong 5 tháng đầu năm 2005 Saigontourist đã phục vụ hơn 1.000 khách MICE quốc tế, đoàn có lượng khách khá đông là 135 khách Tây Ban Nha (chương trình tổ chức tại Hà Nội và miền Tây Nam bộ), một số đoàn có lượng khách ít nhưng có hành trình du lịch “dày” như đoàn 36 khách Úc với chương trình tại Vũng Tàu - Nha Trang, đoàn 25 nhà báo tổ chức tại Nha Trang hay đoàn khách quốc tịch Áo với sự có mặt của Phó Thị trưởng TP Vienne đã đi qua 9 tỉnh thành tại VN và lưu lại 2 tuần lễ v.v…
MICE không chỉ để phục vụ cho du khách nước ngoài, hiện ngày càng có nhiều DN trong nước dùng MICE để tổ chức hội thảo, sự kiện và khen thưởng nhân viên. Mới đây Saigontourist cũng đã làm một chương trình MICE cho gần 200 vị khách “nội” của một DN trong nước tại khu du lịch Bình Quới - TP.HCM.
Lạc quan hơn, Bến Thành Tourist - doanh nghiệp thành lập Trung tâm MICE chuyên nghiệp đầu tiên tại VN từ tháng 4/2004 đến nay cho biết đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến bằng hình thức MICE ở nhiều lĩnh vực như dầu khí, y dược, thương mại … với số lượng trung bình mỗi đoàn từ 100 - 200 người. DN này nhận định: trong thời gian tới xu hướng MICE tại VN sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là khách từ các nước ASEAN.
Theo Bến Thành Tourist cơ hội của MICE một phần nhờ VN đã tổ chức thành công nhiều hội nghị hội thảo, đặc biệt hội nghị ASEM 5 vừa qua gây nhiều tiếng vang tốt với thế giới về khâu tổ chức lẫn phục vụ. Ngoài ra đây cũng là nơi được mệnh danh là xứ sở hòa bình.
MICE - mạnh ai nấy làm là thua!
Hơn một thập kỷ qua TP.HCM luôn ở vị trí dẫn đầu về thu hút khách du lịch quốc tế thế nhưng hiện khoảng cách thị phần khách du lịch quốc tế giữa TP.HCM với các địa phương trong cả nước ngày càng rút ngắn lại.
Nếu như năm 1994 cả nước có 1.018.000 lượt khách quốc tế, TP.HCM đón được 670.000 lượt - chiếm tỷ lệ 65,8% thì đến năm 2004 cả nước có 2.930.000 lượt khách TP.HCM chỉ có 1.580.000 lượt - chiếm 53,9%.
|
VN đang là điểm đến hấp dẫn khách MICE bởi nền chính trị ổn định, nền văn hóa đặc sắc và là môi trường đầu tư tiềm năng. |
Theo ông Đỗ Quốc Thông, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Sở Du lịch TP.HCM, tài nguyên du lịch tự nhiên của TP chỉ có vài nơi như vườn cò Q.9, sân chim Vàm Sát, bãi biển 30/4, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và hai khúc sông Sài Gòn, Đồng Nai. “Vừa đơn giản về chủng loại, vừa nghèo về số lượng” - ông Thông nhận xét.
Hơn nữa các điểm này đang bị xuống cấp nhanh chóng sau một thời gian khai thác, trong khi đó mảng tài nguyên nhân văn vốn rất đa dạng, phong phú với nhiều di tích kiến trúc, di tích cách mạng, đền, chùa … thì chưa được gìn giữ và bảo tồn đúng mức khiến giá trị các danh lam thắng cảnh giảm dần.
Nguyên nhân làm “nghèo” đi các điểm đến của TP.HCM cũng như các tỉnh hiện nay là tình trạng tổ chức du lịch tại các tỉnh, thành vẫn đi theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có sự hợp tác chặt chẽ.
Thử bàn bạc phương án hợp tác giữa TP.HCM với 6 tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Long An) nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, cùng xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch chung của địa bàn sẽ thấy tình trạng nghèo điểm đến được cải thiện rõ ràng. TP.HCM vốn là cửa ngõ đón khách đường hàng không, đường biển và đầu mối giao thông - sẽ là trung tâm trung chuyển phân phối khách du lịch từ đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên… và ngược lại.
Do vậy ông Nguyễn Văn Quang (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) cho rằng TP.HCM và các tỉnh phải thống nhất về quy hoạch các tuyến điểm du lịch và phối hợp giữ gìn cảnh quan tài nguyên du lịch. “Khi xây dựng các dự án đầu tư phải hướng đến sự phát triển chung của cả vùng” - ông Quang nói.
Còn theo ông Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) thì mỗi địa phương cần phát huy thế mạnh, đặc thù riêng để đa dạng hoá sản phẩm du lịch và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trùng lắp du lịch như hiện nay. Thị trường du lịch đang rất cần các chương trình nội vùng đặc sắc như du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh …
Liên kết và hợp tác là con đường ngắn nhất để MICE Việt Nam phát triển, nhiều chuyên gia nhận xét. Trên lý thuyết là vậy song liệu những nhà làm du lịch của mỗi địa phương có “thông” được chân lý này vẫn còn là dấu hỏi bởi chúng ta vẫn chưa có thói quen “hợp tác - phát triển” này.
|