(VietNamNet) - Trong bản trả lời của mình, Bộ Thương mại tiếp tục khẳng định việc ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng là nhằm củng cố, phát triển ngành thép Việt Nam, xây dựng được hệ thống phân phối vững chắc, có các phương thức kinh doanh đa dạng, hiện đại... nhằm bình ổn thị trường thép xây dựng nội địa, bảo đảm cạnh tranh thắng lợi trong môi trường kinh doanh bước vào hội nhập.
Ngày 15/8/2005, Bộ Thương mại ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng. Quy chế mới đề cập tới nhiều vấn đề nhằm yêu cầu các doanh nghiệp thiết lập, quản lý chặt hệ thống đại lý phân phối và quản lý về giá từ doanh nghiệp đầu mối. Theo Quy chế này, phương thức kinh doanh mua đứt bán đoạn như hiện nay mà các doanh nghiệp thép đang áp dụng sẽ bị chấm dứt, thay vào đó các đại lý phải chuyển sang hưởng hoa hồng trên cơ sở mức giá do nhà sản xuất đề ra.
|
Hệ thống phân phối là một nguyên nhân gây bất ổn thị trường thép xây dựng. |
Ngay sau khi ban hành, Quy chế đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép. Sau nhiều lần họp bàn, ngày 6/9/2005, Hiệp hội thép đã có văn bản gửi lên Bộ Thương mại nêu các ý kiến của các doanh nghiệp về quy chế này.
Các ý kiến của doanh nghiệp tập trung vào 3 vấn đề chính là: Căn cứ pháp lý và thẩm quyền của Bộ Thương mại trong việc ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng; Các quy định đối với quyền, trách nhiệm của cá nhân và tổ chức kinh doanh thép nêu trong Quy chế đã trói buộc doanh nghiệp, làm cho họ không thể thực hiện được, nhất là việc ấn định giá và chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với kinh doanh, cũng như chất lượng và giá bán thép xây dựng; Bộ Thương mại không có quyền đưa ra các hình thức xử phạt.
Trao đổi với VietNamNet ngay sau khi tham khảo bản trả lời của Bộ Thương mại, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết ông vẫn bảo lưu ý kiến phản đối Quy chế Kinh doanh Thép của Bộ Thương mại.
Theo ông Cường, không thể có chuyện "bắt" doanh nghiệp chấm dứt kiểu mua đứt bán đoạn và phải xây dựng mạng lưới phân phối và kiểm soát giá. "Chúng tôi là những nhà sản xuất, phải quay vòng vốn, trong khi đặc trưng của kinh doanh thép là thu hồi vốn rất chậm phụ thuộc vào các công trình", ông Cường nói. Ông cho rằng, việc giá cả là do thị trường quyết định, các nhà máy sản xuất chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng thép. Các đại lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái như đầu cơ, ép giá của mình.
Để giải quyết những tranh cãi xung quanh Quy chế kinh doanh thép, chiều thứ 23/9 tới, Tổ công tác 23 của Chính phủ sẽ nghe Hiệp hội Thép trình bày rõ hơn về bản quy chế này, với sự tham gia của đại diện VCCI, Bộ Thương mại. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Phạm Chí Cường, đối thoại chủ yếu xoay quanh bất đồng trong cách hiểu về nội dung cụ thể của Quy chế giữa cơ quan ban hành và đối tượng thực thi cũng như sự cần thiết có cần ban hành Quy chế kinh doanh Thép hay không trong bối cảnh hệ thống phân phối thép không có biểu hiện bất thường và thị trường thép đang trầm lắng.
· Hà Yên |
Trong văn bản trả lời ngày 19/9/2005, Bộ Thương mại đã khẳng định rằng, việc Bộ này ban hành Quy chế là hoàn toàn đúng với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hơn nữa, Quy chế kinh doanh thép xây dựng được ban hành dựa trên các quy phạm pháp luật hiện hành, thể hiện sự thống nhất và đồng thuận với các quy phạm pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá và các Nghị định.
Đặc biệt, Bộ Thương mại đã trích dẫn các văn bản gồm:
1 - Chỉ thị số 30/2004/CT-TTg ngày 05/8/2005, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp Bộ Thương mại chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam và Hiệp hội thép Việt Nam trong tháng 8 năm 2004 hoàn thiện hệ thống cung ứng thép, tăng cường năng lực điều hành quản lý thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thép; sớm ban hành Quy chế điều hành thị trường thép trong nước áp dụng cho cả doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ".
2 - Thông báo số 84/TP-VPCP ngày 25/4/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải có kết luận: “Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp khẩn trương xây dựng cơ chế điều hành thị trường thép nhằm hoàn thiện hệ thống phân phối”.
Nội dung gây phản ứng gay gắt nhất trong doanh nghiệp được Hiệp hội gửi lên Bộ Thương mại là các quy định đối với quyền và trách nhiệm của cá nhân và tổ chức kinh doanh thép nêu trong Quy chế đã trói buộc doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp không thể thực hiện được, nhất là việc ấn định giá và chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với kinh doanh, chất lượng và giá bán thép xây dựng.
Về vấn đề này, Bộ Thương mại nhấn mạnh tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động kinh doanh như: kinh doanh đúng pháp luật, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về thuế, bình ổn giá và đối với chất lượng sản phẩm. Đối với nhà cung ứng sản xuất, nhập khẩu thép xây dựng phải kinh doanh các chủng loại thép bảo đảm chất lượng phù hợp với TCVN, không cung ứng hàng sai quy cách, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…
Về trách nhiệm pháp lý đối với giá bán thép xây dựng, Bộ Thương mại cho rằng: nếu một nhà cung ứng (hoặc nhà phân phối) tự thành lập mạng lưới phân phối thép trực thuộc như chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ thì nhà cung ứng phải quản lý các đơn vị trực thuộc mình không được bán thép xây dựng sai với giá do mình quy định. Quy định này đã khẳng định quyền và vị thế của nhà cung ứng hay nhà phân phối đối với hệ thống của mình. Bộ Thương mại khẳng định, đây là điều đương nhiên vì nhà cung ứng là chủ hàng và chủ quản lý hệ thống của mình.
Cũng trong văn bản trả lời của mình, Bộ Thương mại cho biết, Quy chế này không đưa ra các hình thức chế tài xử phạt các hành vi vi phạm vì các hành vi vi phạm cần xử lý đã được nêu rõ trong các quy định cụ thể của Bộ Luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Giá... và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mà các doanh nghiệp khi vi phạm sẽ bị dẫn chiếu để xử lý.
|