(VietNamNet) - Trong một khảo sát mới đây của Viện khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam về sản xuất và thương mại hàng hoá rau quả cho thấy. Tổng lượng rau quả tiêu thụ bình quân đầu người đã tăng hơn 2 lần trong 10 năm qua. Xu hướng tiêu thụ của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi.
Nhu cầu nội địa tăng nhanh
Nếu như năm 1993 khối lượng tiêu thụ bình quân đầu người là 50 kg/người/năm thì đến năm 2002 là 111kg/người/năm. Tương tự, khối lượng tiêu thụ quả bình quân đầu người năm 1993 là 18kg thì đến năm 2002 là 38kg.
|
Bữa ăn được bổ sung nhiều rau quả. |
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nếu như tỷ trọng tiêu thụ rau muống và các loại rau khác tăng nhanh trong giai đoạn 1993 - 1998 thì trong những năm tiếp theo 1998 - 2002 các loại đậu đỗ, bắp cải, su hào... tăng nhanh hơn. Vùng miền Nam tiêu thụ các loại rau ôn đới như: bắp cải, su hào ít hơn miền Bắc; ngược lại miền Nam lại tiêu dùng các loại rau khác nhiều hơn
Rau xanh vẫn giữ vị trí quan trọng trong bữa ăn và mức tiêu thụ này càng nhiều, nhưng được đánh giá mang lại tính rủi ro cao nhất đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Hiện nay, việc trồng rau không tuân thủ các quy trình kỹ thuật về đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn còn nhiều, bên cạnh đó hiện tượng rau sạch không rõ nguồn gốc xuất hiện ngày càng phổ biến làm cho thị trường rau quả rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêu dùng quả tăng đều ở tất cả các loại. Riêng chuối - một loại quả truyền thống, trong thời gian gần đây lượng tiêu thụ đang chững lại. Người Việt Nam vẫn duy trì thói quen sử dụng hầu hết các loại quả tươi và chế biến tại nhà.
Báo cáo mới nhất của Cục chế biến nông lâm sản và nghề muối - Bộ NN - PTNT cho thấy, trong những năm gần đây, ngành sản xuất rau quả Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tính đến cuối năm 2004, tổng diện tích rau quả cả nước tương ứng với khoảng 1,3 triệu ha và 14 triệu tấn. Trong đó rau quả và gia vị có 600 ngàn ha, sản lượng 8 triệu tấn, cây quả 700 ngàn ha với 6 triệu tấn. Không chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, năm 2004, Việt Nam xuất khẩu khoảng 400.000 tấn rau quả, đạt kim ngạch gần 330 triệu USD.
Cải tiến hệ thống phân phối nội địa
Khảo sát mới nhất của Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối tại Việt Nam cho thấy, mô hình chung của hệ thống phân phối rau quả là nông dân thu hoạch, thương lái thu gom và phân loại, sau đó chuyển tới các chợ đầu mối bán sỉ tiếp tục phân loại và đóng gói. Tiếp theo, rau quả được sơ chế, vận chuyển dưới nhiều hình thức khác nhau.
|
Chất lượng rau quả bị giảm sút nhiều qua khâu phân phối. |
Tuy nhiên, hầu hết các công đoạn này đều được làm thủ công, đa số các thành viên tiến hành các khâu phân phối là nông dân, người buôn bán nhỏ... thiếu hiểu biết về kinh doanh, phân phối và bảo quản rau quả. Điều này đã khiến cho chất lượng rau quả không được đảm bảo qua mỗi khâu phân phối.
Trên thực tế, sản phẩm rau quả có thể bị hao hụt từ 10% - 50% tại khâu cuối cùng và tất nhiên chi phí cho sản phẩm sẽ tăng cao, lợi nhuận của nông dân không được đảm bảo.
Hiện nay, việc cải tiến hệ thống phân phối rau quả đang được đầu tư thông qua nhiều dự án. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này chủ yếu tập trung phục vụ xuất khẩu. Mới đây, Bộ Thương mại, Cơ quan phát triển Đức (GTZ) và Metro Việt Nam đã khởi động một dự án nhằm phát triển hệ thống phân phối rau quả tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu sang EU. Trong đó tập trung vào việc chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các kiến thức kinh doanh và quản lý phân phối, các kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng, đóng gói và bảo quản...
Đối tượng được thụ hưởng dự án là các thành viên trong hệ thống phân phối như nông dân, các hợp tác xã, các công ty nông sản và cả những nguời bán lẻ nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả của hệ thống phân phối rau quả trong nước.
|