Mức lương bình quân trên thị trường nhân lực đối với các vị trí quản lý cao cấp là 18.000 USD/năm, tức 1.500 USD/tháng, đối với vị trí chuyên viên cao cấp lương trung bình khoảng 6.000 USD/năm, tức 500 USD/tháng.
|
Với các vị trí quản trị cao cấp, lương trung bình là 1.500 USD/tháng |
Đây là một trong những ý kiến được nêu tại Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương trong tiến trình hội nhập” do Bộ LĐ - TB&XH, tổ chức Lao động quốc tế và chương trình phát triển LHQ phối hợp tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.
PGS, TS Nguyễn Đình Tài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nêu kết quả cuộc điều tra về tiền lương ở Việt Nam do Navigos và Vietnamworks.com thực hiện từ 2/2005 - 5/2005 tại 208 Cty vốn trong nước và DN có vốn nước ngoài.
“Điều này cho thấy mức bình quân chênh lệch giữa công ty nước ngoài với công ty trong nước tính chung cho tất cả các vị trí là khoảng 35%; ở các vị trí quản lý mức chênh lệch này hiện từ gấp đôi trở lên (200% trở lên)” - PGS Tài nhận xét.
Chung quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương và Tiền công (Bộ LĐ - TB&XH) cũng thừa nhận chính sách về lương của ta vẫn còn một số tồn tại: Mức lương tối thiểu hiện còn thấp; Phân biệt tiền lương tối thiểu giữa các loại hình DN; Tiền lương chưa thể hiện đúng theo giá trị trên thị trường lao động, chưa là nguồn thu nhập chính của người lao động, chưa tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực có chất lượng cao.
Ông Huân cũng cho biết thêm, trong DNNN về cơ bản tiền lương chưa theo thị trường: Thang lương, bảng lương vẫn do Nhà nước quy định nên rất cứng nhắc, tiền lương chưa thực sự hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huân khẳng định: Việc tăng lương tối thiểu lần này chỉ áp dụng với những đối tượng thuộc khu vực hành chính, người về hưu… (chiếm gần 9%, 4 triệu, trong tổng số 42 triệu lao động trên cả nước).
“Mức lương 350.000 đồng/tháng là tương đối phù hợp vì khả năng nền kinh tế của chúng ta mới được ở mức đấy thôi. Nếu xét trên khía cạnh tăng giá thị trường thì chỉ số giá tiêu dùng, từ 2003 đến tháng 9/2005, tăng khoảng 19,6% trong khi nếu tính lương tăng, từ 1/1/2003 đến nay thì lương đã tăng lên 81%”- Ông Huân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huân, mặc dù mức lương tối thiểu chung năm 2005 đã cao hơn so với lộ trình dự kiến của năm 2007 nhưng trong năm 2006 và 2007, dự kiến Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu dần lên để đến năm 2008 hoặc 2009 sẽ có một mức lương tối thiểu “ổn định”.
(Theo Tiền Phong Online) |