(VietNamNet) - Trong buổi làm việc với Tổ công tác 23 của Chính phủ chiều 23/9, các DN thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam đều kiên quyết phản đối quy chế kinh doanh thép và cho rằng, không nên ban hành quy chế này.
|
Ông Phạm Chí Cường: Việc ban hành Quy chế Thép trái với các văn bản mẹ, như Luật đầu tư, Pháp lệnh giá. Ảnh PV. |
Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên hiện đang có một hệ thống phân phối riêng, cung ứng 100% tới khách hàng trong tỉnh. Ông Huỳnh Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc, cho biết tổng công ty rất muốn mở chi nhánh ở các tỉnh khác, nhưng không được, bởi việc làm này không đem lại hiệu quả. Trong 4 phương thức kinh doanh của Thái Nguyên, gồm mua đứt bán đoạn; đại lý phân phối; đại lý nhỏ tới tận khách hàng và tiêu thụ trong nội bộ thì ông Tồng nói rằng phương thức đại lý hoa hồng đang thất bại thảm hại.
"Số vốn của chúng tôi nằm ở đây ít nhất là 40 ngày, với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Những đại lý hoa hồng mở gần tổng công ty còn dễ quản lý, song, nếu mở ở Đà Nẵng thì công ty chịu chết. Quy chế vì thế không có tính khả thi. Sự tăng giảm giá đột biến là không thể kiểm soát được vì tổng công ty chỉ có thể quản lý được các đại lý hoa hồng thông qua hoá đơn chứng từ", ông Tòng nói. Trên thực tế, hiện có 20-30% số thép tổng công ty bán trực tiếp đến người dân, còn 70-80 là bán qua hệ thống phân phối.
Chính vì thế mà đại diện Tổng công ty Thép kết luận, quy chế chỉ nên áp dụng cho các đại lý hoa hồng.
DN cũng không thể tham gia bán hàng trực tiếp. Ông Chu Quang Vũ, Phó Giám đốc Công ty Hoà Phát, dẫn chứng, công ty ông đang có 34 đại lý cấp I ở tất cả các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra, 50 đại lý cấp II và 500 đại lý cấp III. Hoà Phát chưa bao giờ nghĩ là sẽ bán hàng trực tiếp, bởi đã hai lần công ty thử nghiệm thì một lần, số thép trị giá 1,8 tỷ đồng đúng một năm công ty mới thu được tiền, lần khác thì đã 4 tháng trôi qua, công ty chưa thu về được đồng nào.
Do vậy, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, bức xúc, rõ ràng là giữa phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của quy chế không đồng bộ. Quy chế về kinh doanh (14 hành vi thương mại) nhưng nội dung chỉ tập trung vào hướng dẫn cho đại lý hoa hồng. Như vậy, quy chế đã thu hẹp phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Quy chế cũng tạo ra sự khó hiểu, hoặc hiểu không thống nhất, như vậy thì rất khó đi vào thực tiễn. Việc ban hành quy chế sẽ gây hậu quả không tốt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thép.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xúc tiến gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì ngày càng phải ít đi các văn bản hành chính mang tính chất can thiệp vào hoạt động của DN. DN cần được định giá, và người tiêu dùng (thị trường) sẽ quyết định giá.
|