(VietNamNet) - Được xác định là ngành kinh tế quan trọng nhưng doanh thu 9 tháng qua của du lịch Đà Nẵng chưa bằng ngành thuỷ sản - nông lâm trong 6 tháng!
>> Bãi biển Đà Nẵng được Forbes tôn vinh như thế nào?
>> Đà Nẵng: 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh
|
Du khách nước ngoài đến với Đà Nẵng.
|
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2005, TP đã đón 583.929 lượt khách du lịch, bằng 76,95% kế hoạch năm, tăng 21,11% so với cùng kỳ 2004. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 174.220 khách, bằng 63,94% kế hoạch, tăng 15,75%; khách nội địa ước đạt 409.709 khách, bằng 84,23% kế hoạch, tăng 26,47%. Nhờ vậy, tổng doanh thu chuyên ngành du lịch của Đà Nẵng trong 9 tháng qua ước đạt 320,5 tỷ đồng, tăng 11,74% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, con số này thậm chí vẫn còn thấp hơn giá trị sản lượng của ngành thủy sản - nông lâm trong 6 tháng đầu năm 2005 (theo số liệu do UBND TP Đà Nẵng công bố là trên 341 tỷ đồng) và chỉ bằng 12,8% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (cũng chỉ mới tính trong 6 tháng đầu năm). Trong khi đó, theo định hướng cho giai đoạn từ nay đến năm 2010, thì du lịch – dịch vụ phải chiếm tỷ trọng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng.
Được biết, ngày 4/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 194/TTg về phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, Đà Nẵng cũng được xác định là một trong những vùng trọng điểm để triển khai đề án này.
So sánh giữa những mục tiêu trên với thực tế, có thể thấy du lịch Đà Nẵng tuy có tăng trưởng song vẫn còn kém xa so với kỳ vọng. Trong khi, ngoài cơ quan quản lý nhà nước là Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã có Ban chỉ đạo về du lịch, Hiệp hội Du lịch và mới đây, vào trung tuần tháng 9, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch cũng đã được thành lập...
Theo ông Lương Minh Sâm: “Du lịch Đà Nẵng tiềm năng rất lớn, nhưng thời gian qua chúng ta chưa khai thác được triệt để và chưa tương xứng. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đang thực hiện những chương trình phát triển du lịch rất lớn đến năm 2010 và hướng đến năm 2020, trọng tâm là đầu tư phát triển du lịch biển và đặc biệt là chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng của du lịch!". Và theo ông Lương Minh Sâm thì chỉ 2 - 3 năm nữa, du lịch Đà Nẵng chắc chắn sẽ có khởi sắc đáng kể.
Cơ sở cho nhận định đó là trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, TP Đà Nẵng cũng đã tập trung cho quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển với sự tham gia của Tổ chức JICA (Nhật Bản), bang Queesland (Australia), tập đoàn WATG (Mỹ)...
Đồng thời, TP cũng dành hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Mới đây nhất, tuyến đường du lịch ra Bãi Bắc với tổng vốn đầu tư 70,8 tỷ đồng đã được khởi công, mở ra cơ hội lớn cho việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc sắc của bán đảo Sơn Trà. Tuyến đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc cũng đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Các hạng mục cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, tôn tạo cảnh quan đang được khẩn trương thi công để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng chính thức từ cuối năm 2005...
Nhờ vậy, việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch Đà Nẵng đã có sự chuyển động khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đến nay trên địa bàn đã có 42 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó có 09 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 415 triệu USD và 33 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.745 tỷ đồng. Riêng trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc đã có 3 dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn, ở khu vực bán đảo Sơn Trà cũng đã có 5 dự án với vốn đầu tư 50 - 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí cũng được triển khai khá mạnh, như khu nước khoáng nóng núi Ghềnh, 02 dự án đầu tư nước ngoài về vui chơi giải trí tại Công viên 2/9, trung tâm giải trí biển Xuân Thiều...
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế Đà Nẵng với vị trí là đô thị hạt nhân của miền Trung đã đề ra nhiều định hướng quan trọng về du lịch. Vấn đề là sự quyết tâm và giải pháp đúng đắn để đi đến thành công. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, từ khâu đầu tư, quy hoạch cho đến đào tạo nguồn nhân lực. Và một yếu tố quan trọng không kém là xây dựng ý thức công dân của một đô thị du lịch. Làm sao để mọi người dân đều ý thức được vai trò sứ giả của mình trong cái nhìn của du khách và bạn bè bốn phương khi đến với Đà Nẵng.
Đây là những yếu tố mà ai cũng có thể nhìn thấy, thế nhưng phải tổ chức thực hiện như thế nào cho có hiệu quả thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước!
|