Ngành xây dựng Việt Nam: Sẽ hình thành nhiều tập đoàn lớn
(VietNamNet) - Tập đoàn Công nghiệp - Xây dựng, Tập đoàn Xi măng - Vật liệu xây dựng, Tập đoàn Bất động sản... sẽ dần hình thành và ra mắt trong thời gian tới.
Thông tin này vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đưa ra tại Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2006 và triển khai kế hoạch 2007 của ngành. Theo Bộ trưởng Quân, việc phát triển các mô hình tập đoàn này là theo đúng chủ trương của Chính phủ, khi báo cáo đã được Thủ tướng rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Chính vì vậy, ban đầu dự định trước mắt hình thành 2 tập đoàn nhưng tiến tới sẽ phát triển nhiều tập đoàn hơn, trên nhiều lĩnh vực thuộc ngành xây dựng.
Hiện, Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) đang nghiên cứu các mô hình tập đoàn để trình Chính phủ, với tính toán nâng cao nhất hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bộ trưởng Quân khẳng định: ''Đơn vị làm lõi, làm nòng cốt trong các tập đoàn này sẽ là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà - những doanh nghiệp mà xét cả về lực và thế hiện nay đều đạt. Các Tổng Công ty này đều đang triển khai các dự án lớn, trọng điểm của đất nước, giá trị sản xuất kinh doanh năm vừa qua đều xấp xỉ mức 9-10 nghìn tỉ đồng, cao nhất ngành xây dựng''.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân cũng cho biết rất thông cảm với tâm lý của nhiều doanh nghiệp lúc này có lẽ đang nghĩ rằng trực thuộc Bộ oách hơn, bây giờ mô hình tập đoàn thì Tổng Công ty lại chui vào trong Tổng Công ty... sẽ ''giảm khâu oai''. Thế rồi, chính những người quản lý doanh nghiệp cũng chưa hình dung ra hết: Hội đồng quản trị sẽ ra sao, quản lý cán bộ, quy trình thủ tục, quan hệ giữa mẹ - con sẽ thế nào... nhiều vấn đề mà về mặt quy phạm pháp luật Nhà nước có thể cũng còn chưa đồng bộ.
Nhưng, Bộ trưởng cũng đồng thời nhận định: Các doanh nghiệp nên chủ động suy nghĩ vấn đề này, xoá bỏ tư duy cũ. Nếu là hành chính thì pháp nhân này dưới pháp nhân kia, rồi xưa nay Tổng công ty bao cấp cho Công ty (mẹ bao cấp cho con), cấp trên ra lệnh cho cấp dưới, bổ nhiệm cấp dưới... nhưng giờ đây sau khi đổi mới, nguyên lý sẽ là ''mẹ là mẹ, con là con, con như mẹ - bình đẳng trước pháp luật''.
Việc hoàn thiện các mô hình mẹ - con trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng hiện cũng theo nguyên lý này, và ''có như vậy các doanh nghiệp mới thực sự độc lập. Doanh nghiệp quản lý doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn'' - Bộ trưởng Quân nói.
Tất cả những bước phát triển trên - theo Bộ trưởng, cũng là để đạt đến hiệu quả. Hiệu quả chính là thước đo của công việc. Các doanh nghiệp thuộc Bộ có thể đầu tư điện, xi-măng, thậm chí chứng khoán cũng được - nhưng phải có hiệu quả. Mà hiệu quả nằm ở đâu? Nếu coi nay bán được mớ bất động sản này, mai bán được mớ thiết bị kia giá hời, làm doanh số tăng lên - là hiệu quả thì cũng được nhưng cái đó không chắc, không bền. Hiệu quả chính là sự giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng mọi sản phẩm của ngành.
Năm 2006, giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng là 75.378 tỉ đồng, bằng 102,7% kế hoạch năm, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ năm 2005, cao gần gấp 2 lần so với mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp và xây dựng trong cả nước (10,37%). Trong đó, giá trị sản xuất kinh doanh ước thực hiện năm 2006 của Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam 10.259 tỉ đồng; của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) là gần 10.262 tỉ đồng; của Tổng Công ty Sông Đà là 8.322 tỉ đồng. |
-
Hoàng Huy