|
Sản phẩm của Vissan bị làm nhái rất nhiều |
Hiện tại TP.HCM có 60 cửa hàng, đại lý chính thức của Công ty May Việt Tiến, nhưng có đến 200 cơ sở bán hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp này. Đây không phải là trường hợp cá biệt, không ít doanh nghiệp có tên tuổi khác cũng đang chịu chung cảnh ngộ.
Chỉ trong ba tháng cuối năm 2002, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và bắt giữ 22 vụ hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả, nhái mẫu mã, chất lượng sản phẩm...). Tổng số hàng bị phát hiện là gần 17.000 đơn vị sản phẩm. Hàng giả không chỉ được sản xuất trong nước mà còn từ nước ngoài nhập về, bao gồm hàng điện máy, điện tử cao cấp, hàng may mặc, thực phẩm chế biến... Rất nhiều hàng nhập ngoại quá date hoặc không ghi date đang tràn vào thành phố, lợi dụng dịp Tết, sức mua tăng mạnh.
Những cố gắng chưa đi đến đâu
Ông Phan Văn Kiệt, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Việt Tiến nói: ''Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng, thuê tư vấn luật... nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính là hệ thống văn bản luật của Việt Nam còn nhiều sơ hở, khiến những kẻ làm ăn không trung thực dễ lợi dụng''. Biện pháp thường xuyên nhất mà Việt Tiến áp dụng là tăng cường hướng dẫn thông tin cho khách hàng, giúp họ phân biệt hàng thật với hàng nhái.
Ông Lâm Bá Nhĩ, Phó phòng KCS Công ty Thực phẩm Vissan cho biết, Vissan liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, coi đó là biện pháp chống hàng giả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường dành cho khách lời khuyên là đến cửa hàng, đại lý chính hãng. Tuy nhiên, khách hàng không phải lúc nào cũng phân biệt được cơ sở ''xịn'' của công ty. Kết quả của ''phương thuốc'' này còn phụ thuộc vào những nỗ lực quảng cáo của doanh nghiệp.
(Theo Thanh Niên) |