Phấn đấu xuất khẩu 50.000 lao động trong năm nay
18:20' 07/01/2003 (GMT+7)
 

Phần lớn người Việt Nam đi XKLĐ xuất thân từ nông thôn.

(VietNamNet) - Theo số liệu của Cục Quản lý lao động với nước ngoài (Bộ LĐ-TB-XH), Việt Nam xuất khẩu hơn 46.000 lao động trong năm 2002. Năm nay, ngành sẽ chú trọng mở các thị trường mới ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Phi.

Cục Quản lý lao động với nước ngoài cho biết, xuất khẩu lao động (XKLĐ) có chuyển biến mạnh mẽ về cả chất lượng và số lượng. Malaysia và Hàn Quốc là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam. Đến hết tháng 12/2002, Malaysia tiếp nhận 22.000 lao động Việt Nam, Hàn Quốc tiếp nhận 13.000 người. Nhật Bản cũng là một thị trường đáng chú ý, dù lao động Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chưa nhiều, chủ yếu là sinh viên và lao động kỹ thuật cao. Hiện Việt Nam xuất khẩu lao động sang 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Năm nay, Bộ LĐ-TB-XH hy vọng có thể nâng số lao động xuất khẩu lên 50.000 người. Điều này sẽ rất có ý nghĩa khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao như hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2002, Việt Nam đã giải quyết được 1,4 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống 6,01% (năm 2001 là 6,28%). Khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (6,64%), tiếp đó là vùng Đông Nam Bộ (6,31%). Trong số các thành phố lớn, Hải Phòng đứng đầu về tỷ lệ thất nghiệp (7,2%). Hà Nội (7,08%), Quảng Ninh (6,89%) và TP.HCM (6,73%) cũng có rất nhiều lao động không có việc làm.

Chính phủ đang dự định giải ngân 80 triệu USD nhằm tạo ra 1,5 triệu chỗ làm mới trong năm 2003, hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5,9%.

Chiến lược thị trường - yếu tố quan trọng để đẩy mạnh XKLĐ

Tại buổi tọa đàm mới đây về XKLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Lương Trào nhấn mạnh: ''Năm 2003 sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng trong cơ cấu ngành nghề''. Nếu năm 2001, lao động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang Đài Loan làm nghề dệt may và giúp việc gia đình, thì nay thị trường Malaysia đã được mở ra với cơ cấu thiên về công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Hiện Việt Nam đang xúc tiến ký Hiệp định lao động với Malaysia, với mong muốn đẩy mạnh XKLĐ sang thị trường này. ''Chúng tôi mong muốn có thể ký hiệp định này trong thời gian sớm nhất'', một quan chức của Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam nói.

Thứ trưởng Nguyễn Lương Trào nhận định, công tác XKLĐ đang đứng trước nhiều khó khăn do tình hình chính trị thế giới (nhất là tại Trung Cận Đông) phức tạp. Mặt khác, cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gay gắt, chất lượng lao động Việt Nam lại chưa cao. Do đó, ngành phải xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động tăng thị phần ở những thị trường sẵn có.

Cục Quản lý lao động với nước ngoài cũng xác định, nhiệm vụ quan trọng là mở ra những thị trường mới ở Bắc Phi, Nam Phi, Đông Nam Á, Bắc Mỹ...

Sắp xếp lại và mở rộng quyền chủ động cho DN XKLĐ

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Lương Trào, mô hình liên kết doanh nghiệp (DN) với địa phương sẽ là chương trình trọng điểm để đẩy mạnh việc lựa chọn những lao động có năng lực, đồng thời giảm thiểu khó khăn của người lao động. Thứ trưởng cho rằng, DN và địa phương cần có trách nhiệm đến cùng với người lao động.

Năm 2003, Cục Quản lý lao động với nước ngoài chú trọng việc nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ của các DN. Cơ quan này cho biết, một số DN sẽ được tập trung đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động. Mặt khác, quyền chủ động cũng như tự chịu trách nhiệm của các DN sẽ được bảo đảm hơn.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người mua nhà sở hữu nhà nước phải có hộ khẩu thường trú (07/01/2003)
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản sắp thăm Việt Nam (07/01/2003)
Chưa có thuốc đặc trị hàng giả? (07/01/2003)
Cần 17.452 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông năm 2003 (07/01/2003)
Hoa Tết Huế có nguy cơ mất mùa (07/01/2003)
Sẽ có thêm 100.000 tấn bột nhựa PVC/năm (07/01/2003)
4 năm Pháp lệnh Du lịch: Còn quá nhiều bất cập (07/01/2003)
Ký hợp đồng dầu khí lô 01-02/97 (07/01/2003)
Phản ứng đầu tiên của Nokia sau ''vụ Đông Nam'' (07/01/2003)
1/3 số DNNN ngành nông nghiệp thua lỗ (07/01/2003)
Hàng dệt may vào Mỹ sẽ bị hạn chế ? (07/01/2003)
Sẽ bỏ hạn ngạch nhập khẩu bộ linh kiện xe máy (06/01/2003)
TP.HCM sắp đấu giá 3 khu đất (06/01/2003)
Sáng nay, cổ phiếu châu Á lên giá (06/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang