Theo Trung tâm điều hành du lịch Vĩnh Long, tết Tây năm nay, lượng du khách đến các nhà vườn tăng đột biến. Từ nay đến Tết Nguyên đán, hầu như các trung tâm lữ hành các nơi đã đến tiền trạm và đăng ký tour. Hiện tại, 25 hướng dẫn viên du lịch, 60 chiếc thuyền du lịch loại 10-20 người/chiếc phải chạy liên tục trên các tuyến sông rạch để chở khách tham quan.
Miệt vườn Vĩnh Long
Có lẽ tỉnh Vĩnh Long là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại miền Tây. Từ khi có cây cầu Mỹ Thuận, du lịch đã tăng đột biến ngoài sức tưởng tượng của ngành du lịch của địa phương. Chỉ trong năm 2002, đã có trên 60.000 khách quốc tế, tăng gấp 2 lần năm 2001 và 35.000 khách nội địa đến vùng sông nước này. Ngạc nhiên nhất là có đến 15.000 khách ''Tây ba lô'' chọn ngủ đêm tại các nhà vườn thay vì chọn khách sạn có sao. Một trong những điểm được du khách chọn dừng chân là Cù lao An Bình, nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, nơi được mệnh danh là '' mê cung sông nước của miền Tây'', với trên 60 kênh, rạch lớn nhỏ, có đến 15 nhà vườn được xây dựng theo sự phối hợp với Công ty Du lịch Vĩnh Long.
Ông Lý Hoàng Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm điều hành du lịch Vĩnh Long cho biết: '' Ban đầu cũng rất tình cờ... Có lần một đoàn khách nước ngoài khi đi tham quan vườn du lịch ở cồn An Bình bị mắc cạn phải chuyển sang đi bộ. Thấy con nít tắm sông vui quá họ cũng tham gia. Sau đó, họ cứ tản bộ trên các đường làng để chụp ảnh nông dân thu hoạch nhãn, chôm chôm...''
Nắm bắt được thị hiếu của khách du lịch quốc tế như vậy, ngành du lịch đã kết hợp hợp với nhà vườn thiết kế tour đúng '' gu'' của khách với nhà sàn, hoa cảnh, nhà cổ... Và ngày càng có nhiều khách yêu cầu được nghỉ lại ở các điểm nhà vườn để tìm hiểu tính cách người địa phương và tận hưởng cái thú đi hái trái cây, tắm sông, dỡ chà bắt tôm tép.
Ông Mười Hưởng, chủ một nhà vườn cho biết, ông đã có thâm niên 6 năm làm du lịch nhà vườn và ngày càng thấy thú vị khi Tây '' mê'' nông dân đến vậy. Hiện nay, với diện tích trên 40.000 m2, ông Mười Hưởng trồng cây cảnh xung quanh nhà, còn sau vườn trồng chôm chôm, sầu riêng. Mỗi ngày, bình quân ông đón trên 100 khách nước ngoài đến tham quan và ăn trưa, ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử, câu cá và ngủ đêm tại các nhà vườn đều được tính vào giá tour ''rất mềm''.
Cù lao An Bình- Vĩnh long thu hút khách du lịch
Hiện nay, 15 điểm nhà vườn đều được công ty du lịch hỗ trợ kinh phí xây phòng ngủ, nhà vệ sinh ( tiêu chuẩn 1-2 sao). Mới đây, ngành đã đầu tư trên 100 triệu đồng để nâng cấp ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi của ông Võ Huỳnh Long, xây thêm nhà nghỉ 20 giường và cả khu vực sản xuất hàng mỹ nghệ lưu niệm. ông Long nói: '' Nhà tôi có 3 vòng bao lam bằng gỗ được trạm trổ công phu và có phết vàng thật. Mấy năm trước có một ông khách Thái Lan muốn mua bộ bao lam này với giá 60 cây vàng. Nhưng đây là của gia bảo nên tôi cố giữ''.
Ông Long còn cho biết một chi tiết rất thú vị, người nước ngoài đến đây rất thích được ngồi trầm tư trước bàn thờ tổ tiên cổ kính với một không gian đầy cây xanh trái ngọt bên ngoài. Riêng điểm nhà cổ Hai Hoàng thì lúc nào cũng có một ban nhạc đờn ca tài tử sẵn sàng phục vụ khách. Có nhiều khách nước ngoài nghe xong còn muốn được học vài chiêu đàn bầu, đàn kìm. Khu nhà vườn của ông Hai Hoàng còn như một bảo tàng thu nhỏ với rất nhiều nông cụ của người nông dân Nam Bộ như: phảng, cù nèo, lưỡi hái, nọc cấy, bồ đập lúa, nơm, bội, cày, cuốc và một mô hình mô phỏng cảnh sinh hoạt của người dân Nam Bộ.
(Theo Thanh Niên) |