|
Sản xuất giày xuất khẩu. | Phán quyết cuối cùng của Toà Thương mại Quốc tế Canada (CITT) là các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá giày chống thấm tại thị trường Canada. Ông Trần Mạnh Thư, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, đại diện về phía Việt Nam tại phiên toà xử vụ kiện này, vừa cho biết chiều qua (8/1).
Từ giữa năm 2002, Hiệp hội Da giày Canada và các nhà sản xuất giày của nước này đã kiện Việt Nam, Hongkong, Macao bán phá giá giày và đế giày không thấm nước vào Canada. Cơ quan hải quan và thuế vụ Canada (CCRA) đã điều tra về mức độ phá giá, đồng thời, xem xét các bản giải trình của 6 doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 9/12/2002, tại phiên toà cuối cùng, với sự có mặt đầy đủ của đại diện từ phía Việt Nam, Hiệp hội da giày Canada và nhân chứng từ các đơn vị trung gian khác, CCRA đã kết luận, Chính phủ Việt Nam không quản lý độc quyền ngành hàng này, do đó, giá thành sản xuất phải được tính riêng cho từng doanh nghiệp chứ không theo mức giá chung tại Việt Nam. Sau phiên tòa, nếu Tòa án phán quyết giày chống thấm của Việt Nam có gây hại cho các nhà sản xuất Canada thì sẽ áp dụng mức thuế chống phá giá với mặt hàng này từ Việt Nam là 25,7%, thay vì 72% mà CCRA áp dụng tạm thời cho các doanh nghiệp Việt Nam trong suốt 6 tháng qua. Đây được coi là thắng lợi bước đầu của Việt Nam trong vụ kiện này.
Ngày 7/1/2003, CITT đã có phán quyết cuối cùng khẳng định, giày không thấm nước của Việt Nam không gây hại cho các nhà sản xuất Canada, cũng đồng nghĩa với việc sẽ không áp đặt thuế chống phá giá đối với mặt hàng này của Việt Nam.
Ông Thư cho rằng, ''đây là một thắng lợi hết sức quan trọng, không chỉ bảo vệ được các nhà sản xuất trong nước, mà còn là kinh nghiệm đáng quý cho các bộ, ngành, cấp quản lý, doanh nghiệp; đặc biệt là từ năm nay, khi Việt Nam đã gia nhập AFTA và sắp tới là WTO''.
(Theo TBKTVN) |