|
Rất cần sản phẩm nhựa cho công nghiệp ôtô | (VietNamNet) - Theo nhận xét của Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu, ngành nhựa Việt Nam còn rất thiếu những mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp. ''Chính những mặt hàng như vậy mới giúp nhựa Việt Nam khẳng định vị thế và uy tín của minh'', Thứ trưởng Khu nói.
Năm 2002, Tổng công ty Nhựa Việt Nam (VINAPLAST), con chim đầu đàn của ngành nhựa, có mức tăng trưởng rất khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29,6%, doanh thu tăng 18,6%, giá trị xuất khẩu tăng 26,3% so với năm 2001. Ông Nguyễn Minh Tân, Tổng Giám đốc VINAPLAST cho biết, VINAPLAST đứng thứ 2 trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ của Bộ Công nghiệp. Vốn của VINAPLAST khi mới thành lập được Nhà nước cấp khoảng 165 tỷ đồng, sau đó không ngừng được bảo toàn và bổ sung. Hết năm 2002, số vốn này lên tới 4.000 tỷ đồng, VINAPLAST đứng thứ 5 trong tổng số 22 đơn vị của Bộ Công nghiệp về bổ sung vốn.
Khó cạnh tranh trong AFTA...
''Cùng loại sản phẩm ống nhựa, nhưng hàng Việt Nam có giá 1,1 USD/kg, trong khi hàng Thái Lan chỉ 0,85 USD/kg. Nhựa Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn khi giảm thuế vào AFTA'', ông Chủ tịch HĐQT VINAPLAST lo lắng.
Các quan chức của VINAPLAST thừa nhận, khả năng cạnh tranh của nhựa Việt Nam chưa cao so với khu vực. Ông Nguyễn Công Thương, Giám đốc Công ty Nhựa Rạng Đông dự báo: ''Cuộc cạnh tranh giành thị trường trong năm nay sẽ rất quyết liệt. Chắc chắn hàng Trung Quốc và ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam''.
''Cách duy nhất là giảm thiểu chi phí sản xuất'', ông Nguyễn Minh Tân, Tổng Giám đốc VINAPLAST nói. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng việc này rất khó khăn trong tình hình giá điện, giá nước, thông tin liên lạc... không ngừng tăng cao. Về chi phí tiền lương, theo ông Tân, Tổng Công ty sẽ cố gắng sản xuất những mặt hàng mới để giải quyết số lao động dôi dư.
Về việc giảm chi phí kinh doanh, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, điều cốt yếu là các đơn vị sản xuất phải thực hiện tiết kiệm thật tốt. Thêm vào đó, Thứ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư phát triển sản xuất. ''Ngành nhựa Việt Nam trong tương lai cần có khả năng cung cấp sản phẩm cho công nghiệp da giày, dệt may, điện tử, ôtô, xe máy, ngành xây dựng...'', Thứ trưởng chỉ đạo.
Năm 2003, tích cực tìm thị trường xuất khẩu
Theo ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, sản phẩm nhựa Việt Nam hiện chiếm lĩnh tới 80% thị phần của các bạn hàng truyền thống như Lào, Campuchia. Năm 2002, ngành đã tiếp tục cố gắng mở rộng ''khoảng sân'' của mình tại Ucraina, Nga, Iran, Iraq, Lebanon, Nam Phi, Mỹ và một số quốc gia châu Phi và Trung Cận Đông khác.
Năm nay, VINAPLAST vẫn coi châu Á là thị trường trọng điểm, nhưng đang tích cực tìm những bạn hàng xa xôi hơn. ''Tổng công ty sẽ chủ trì một số đoàn khảo sát đi Nga và các nước SNG để xuất khẩu hàng, hoặc tìm cơ hội đầu tư sản xuất'', ông Nguyễn Minh Tân cho biết.
Có thể giải thể VINAPLAST?
Tại Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động năm 2002 của VINAPLAST, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết, Chính phủ đang xem xét việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp ngành nhựa. Theo Thứ trưởng, VINAPLAST nên chủ động đưa ra một số phương án, thí dụ, chuyển hình thức ''tổng công ty cứng'' như hiện nay thành ''tổng công ty mềm'' (công ty mẹ - công ty con). ''Trong nội bộ VINAPLAST cần có sự thống nhất. Nếu vai trò của Tổng công ty phai nhạt dần đi thì có thể có khả năng bị giải thể'', Thứ trưởng Khu khẳng định.
|