|
Ngư nghiệp ngày càng được quan tâm |
(VietNamNet) - Tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến ngư năm 2002 và bàn biện pháp triển khai kế hoạch năm 2003, diễn ra sáng nay (10/1) tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư trung ương Trần Văn Quỳnh đã kiến nghị như vậy với Bộ Tài chính.
Đây là năm thứ hai Trung tâm Khuyến ngư triển khai Quyết định 103 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản. Ông Trần Văn Quỳnh cho biết, năm qua, Trung tâm đã xây dựng được các mô hình ương nuôi cá bột, cá hương; lên cá giống để cung cấp tại chỗ cho các vùng sâu, xa trên 24 địa phương vùng núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên; thực hiện 11 dự án chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước (tôm sú giống chất lượng cao, tôm rảo, tôm càng xanh, cá thát lát, cá bỗng, rô phi dòng GIFT...) và nhập 16 dự án (bào ngư xanh, cá chim trắng, cá tiểu bạc...).
Chương trình khuyến ngư đã trình diễn 110 mô hình nuôi trồng thuỷ sản đến ngư dân; 6 mô hình khai thác và 4 mô hình về chế biến.
Tuy nhiên, ông Quỳnh nhận xét, do các dự án khuyến ngư phát triển giống thuỷ sản thường được thực hiện trong 2 năm nên cho đến nay, chưa tổ chức nào đánh giá, nghiệm thu. Nội dung triển khai còn hạn chế, số lượng đơn vị tham gia chuyển giao và nhận chuyển giao ít so với yêu cầu thực tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Việt Thắng cho rằng, trong năm 2003, chương trình khuyến ngư phải được triển khai xuống cấp huyện nhằm mở rộng đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, cần nhân rộng những mô hình mà ngư dân đã áp dụng thành công trong thực tế, chứ không nên chờ đến khi được công nhận. Bên cạnh công tác khuyến ngư, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng yêu cầu, cần dự báo cho các địa phương về nhu cầu giống; tìm đầu ra và điều tiết nguồn giống để đáp ứng nhu cầu ngư dân.
|