Hàng hiệu Việt Nam vào chợ
09:56' 11/01/2003 (GMT+7)

Bánh kẹo ''hàng hiệu'' Việt Nam vào chợ

Các bà nội trợ đảm đang gần đây đã hiểu rõ, chợ bây giờ không chỉ có ''hàng chợ'' rẻ tiền, mà có cả ''hàng hiệu'' Việt Nam chất lượng cao. Mùa Tết này, hàng cao cấp đang rầm rộ ''đổ bộ'' vào chợ, nhiều nhất là bánh kẹo.

Khu chợ bánh kẹo Bình Tây (TP.HCM) đầy ắp những gian hàng trưng bày từng chồng bánh kẹo cao ngất. Đến 80% trong số đó là hàng Việt Nam, ''áp đảo'' nhất là Kinh Đô, rồi Bibica, Vinabico-Kotobuki, bánh kẹo Hà Nội... Một số tiểu thương cho biết, lượng bánh kẹo nội năm nay tăng 20% so với năm ngoái. Chủ sạp H.L tại chợ Bình Tây cười: ''Bán hàng nội bây giờ khỏe hơn nhiều. Có thể khui một thùng dành riêng mời khách dùng thử, về khấu trừ lại với công ty. Hàng ngoại làm gì có chuyện đó. Mua hàng Việt Nam, nếu có trục trặc hư hỏng, chúng tôi có thể đổi lại, hoặc người mua khiếu nại trực tiếp với nơi sản xuất. Mua bánh ngoại, lỡ hàng bị mốc, vỡ, dù còn ''date'' tôi cũng không đền được''.

Chị còn cho biết thêm, năm nay hàng nội có nhiều mẫu mã rất đẹp. Bao bì từ nylon, thùng giấy đến thùng thiếc trông đều sang trọng, lịch sự. Giá hàng nội rẻ hơn hẳn hàng ngoại nên bán rất chạy. ''Bánh thùng thiếc loại 800g của Kinh Đô giá chỉ 36.000 đồng, trong khi hàng ngoại đến 60.000-70.000 đồng, có khi cả trăm ngàn'', chị phân tích. Do đó, lượng bánh của Đan Mạch, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... bán được mùa Tết này kém hẳn so với những năm trước.

Tại chợ Bà Chiểu, một khách hàng vừa chọn khô mực hiệu Orex vừa nói: ''Mua hàng có tên tuổi thì an tâm hơn, ít sợ ngộ độc thực phẩm. Vả lại, nếu có sai hỏng gì thì còn có nơi khiếu nại. Tôi mua một ít mang biếu Tết, phải tìm loại đàng hoàng''. Nhiều bà nội trợ có chung nhận xét, hàng hiệu Việt Nam vào chợ bây giờ được bày biện trông đẹp mắt, không xô bồ như trước. Hơn nữa, người bán thường không dám nói thách giá loại hàng này vì khách hàng có thể xem giá ''chuẩn'' trong siêu thị hay xem quảng cáo của chính đơn vị sản xuất.

Tuy nhiên, hàng hiệu Việt Nam chiếm ưu thế ở các chợ chủ yếu là thực phẩm, đồ gia dụng. Hai ngành hàng lớn là may mặc và giầy dép (mà mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD) thì hầu như vắng bóng. ''Có nhiều hãng lớn từng đến chào hàng, nhưng giá cao quá nên chúng tôi không dám mua. Một bộ quần áo trẻ em hàng chợ giá chỉ mười mấy ngàn, trong khi hàng hiệu Việt Nam giá đến mấy chục ngàn...'', chị Thuỷ, chủ sạp quần áo chợ Bình Tây cho biết.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
10 tỷ đồng cho chương trình khuyến ngư (11/01/2003)
Đà Lạt sẽ có cáp treo vào dịp Tết (11/01/2003)
Kinh doanh thuốc thuỷ sản phải có giấy phép (11/01/2003)
''Ngành nhựa cần phát triển sản phẩm kỹ thuật cao'' (11/01/2003)
San Miguel vẫn đàm phán mua lại Coca Cola Việt Nam (11/01/2003)
Năm 2002, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc vượt 3 tỷ USD (11/01/2003)
Lượng xe máy bán ra thị trường sẽ giảm 1/3 (10/01/2003)
Hà Nội cấp giấy phép đầu tư trong 20 ngày (10/01/2003)
50 triệu USD/năm nhập nguyên liệu nấu bia có lãng phí? (10/01/2003)
Ngành nông nghiệp đưa CNTT về xã (10/01/2003)
Giá tối thiểu để tính thuế xe máy TQ là 400 USD (10/01/2003)
VN không bán phá giá giày tại thị trường Canada (10/01/2003)
Nhu cầu thép năm 2003 khoảng 5 triệu tấn (10/01/2003)
PetroVietnam đã hoàn trả vốn cho Zarubezneft (10/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang