Thuỷ sản 2003: Trông chờ nhiều vào nguyên liệu
10:21' 12/01/2003 (GMT+7)

An toàn nguyên liệu là yêu cầu cấp bách hiện nay của ngành thuỷ sản

(VietNamNet) - Sự lo lắng về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của năm 2002 chỉ thực sự được giải tỏa vào những tháng cuối năm, khi con số này đạt và vượt 200 triệu USD/tháng, và kết thúc bằng con số ngoạn mục: 2,021 tỷ USD. Năm nay, ngành thuỷ sản xác định, mục tiêu 2,3 tỷ USD thực hiện được hay không phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu. 

Vấn đề này một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị triển khai công tác ngành thuỷ sản năm 2003, tổ chức sáng 11/1 tại Hà Nội. Thủ tướng Phan Văn Khải đã tham dự hội nghị.

Thiếu một thị trường nguyên liệu có tổ chức

Hạn chế lớn nhất hiện nay của ngành thuỷ sản, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, bắt nguồn từ năng lực cung cấp nguyên liệu chất lượng cao và sự ổn định về số lượng cho chế biến. ''Cái dở của chúng ta là giá nguyên liệu khá cao so với các nước khác, điều này đẩy giá hàng thuỷ sản lên. Theo tôi, cần tạo sự đồng bộ giữa vùng nguyên liệu và chế biến, từ tổ chức sản xuất, thu gom đến tiêu thụ. Khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay là chưa có một thị trường nguyên liệu có tổ chức'', ông Dũng nói.

 

Do chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp manh mún và thị trường nông nghiệp nhỏ bé, trong khi lại đáp ứng đối tượng công nghiệp, Việt Nam cần có một quá trình để hình thành thị trường nguyên liệu thuỷ sản. ''Thời gian ra đời thị trường này sớm hay muộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song, sẽ rút ngắn rất nhiều nếu DN, nhà nước và người sản xuất cùng bắt tay tổ chức các chợ nguyên liệu theo hình thức đấu giá; hình thành các hội sản xuất nguyên liệu''.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng bức xúc: ''Nhà nước ban hành Quyết định 80 về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng DN ký hợp đồng với ai? DN không thể ký với từng người dân, mà chỉ có thể ký được với các cộng đồng có tổ chức. Tôi cho rằng, kinh nghiệm từ việc tổ chức các CLB sản xuất cá tra, cá basa xung quanh các nhà máy chế biến là một mô hình tốt để học tập''.

 

Giám đốc Công ty Chế biến Thuỷ súc sản Cần Thơ (CAFATEX) Nguyễn Văn Kịch cho biết, trước đây, ngành thuỷ sản đã lên kế hoạch xây một chợ tôm ở Bạc Liêu, nhưng không có kinh phí. Ông kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để người dân mở chợ nguyên liệu tôm, mà trước mắt là 100 triệu đồng để xây dựng 5 chợ tại miền Trung.

 

Nhưng nguyên liệu phải an toàn

Từ 1,5 xuống còn 0,3 phần tỷ, quy định mới về dư lượng hóa chất của EU khiến các DN Việt Nam điêu đứng. Hàng chục lô hàng tôm xuất khẩu bị huỷ. Nhiều đơn vị bị loại khỏi danh sách 1 xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này. 100% lô hàng thuỷ sản bị kiểm tra, nếu phát hiện nhiễm quá mức dư lượng hóa chất, EU sẽ đóng cửa ngay hàng thuỷ sản Việt Nam, như họ đã từng làm với Trung Quốc. Quy định nghiêm ngặt này ngay lập tức tác động tiêu cực, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm.

Có thể nói, một chương trình quốc gia về chống dư lượng kháng sinh được ngành thuỷ sản thực hiện, từ quyết định cấm sử dụng một số hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản đến một loạt các động thái kiên quyết (kiểm tra 100% lô hàng trước khi xuất, loại bỏ ngay những lô bị nhiễm). Bộ Thuỷ sản cũng xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa cơ sở chế biến, người nuôi và vùng nguyên liệu để khép kín quy trình sản xuất an toàn.

Nhờ các nỗ lực này, đến 20/9/2002, EU thông báo ngừng áp dụng chế độ kiểm tra 100% về dư lượng kháng sinh hàng thủy sản Việt Nam. Chỉ bị kiểm tra theo xác suất, các DN yên tâm vào sản xuất, và đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kịch cho rằng, hiện tượng bơm tạp chất vào tôm vẫn diễn ra, làm cho tôm kém tươi và không an toàn vệ sinh. ''Điều này không được chấp nhận ngay tại thị trường nội địa, chứ chưa nói tới xuất khẩu sang Mỹ, EU, những thị trường rất nghiêm ngặt về mức an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù đã có chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thuỷ sản, nhưng đến nay, vẫn chưa có biện pháp kiểm soát triệt để tình trạng này, thậm chí, có nơi còn không muốn làm'', ông Kịch nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh cảnh báo, tin từ thị trường EU, 2 tháng qua, 20 lô hàng tôm của Việt Nam bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh. Nếu tiếp tục bị phát hiện, EU sẽ kiểm soát trở lại 100% đối với hàng thuỷ sản Việt Nam. Do vậy, Thứ trưởng Minh chỉ đạo, 2003 và các năm tiếp theo, ngành thuỷ sản cần phải xây dựng được hệ thống an toàn vệ sinh chất lượng sản phẩm đến đầu nguồn nguyên liệu một cách hệ thống, bảo đảm mọi khâu đều đáp ứng được yêu cầu an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm thuỷ sản. Trong đó, khâu đột phá là chiến lược và các đề án về giống thuỷ sản.

Ông Kịch kiến nghị, cần đưa việc bơm tạp chất vào tôm thành tội phạm phá hoại kinh tế, phá hoại quốc gia. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng các vùng nuôi tập trung sạch bệnh và vùng nuôi sinh thái. ''Theo tôi, Bộ Thuỷ sản nên lấy năm 2003 làm năm phục hồi, củng cố chất lượng tôm nguyên liệu và chế biến, để đến năm 2005, chúng ta đạt xuất khẩu 5 tỷ USD''.

Ông Nguyễn Hữu Dũng: ''Không vì việc bị kiện bán phá giá mà Việt Nam nâng giá bán lên, hay giảm chất lượng hàng đi. Một mặt, chúng ta cần tiếp tục tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; mặt khác, đấu tranh với sự bảo hộ của các nước. Tu chính án Bird của Mỹ cho phép người đi kiện được nhận lại tiền thuế chống bán phá giá; chính sách này vô hình chung đã khuyến khích người ta đi kiện và coi kiện là việc kiếm tiền - một cách đầu tư có hiệu quả nhất. Điều này trái với chính sách tự do thương mại mà Mỹ và các nước phương Tây thường rao giảng.

Không dừng ở con số 2 tỷ USD

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Thị Hồng Minh khẳng định, bước tiến quan trọng của ngành thuỷ sản năm 2002 là giữ vững nhịp độ tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản.

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 98% so với cùng kỳ năm 2001, bình quân mỗi tháng chỉ đạt 136 triệu USD. ''Đích nhắm'' 2 tỷ USD bị lung lay do hàng loạt khó khăn. ''Chúng tôi đã tiến hành nhiều đoàn khảo sát tìm thị trường mới, như Nga, Đông Âu, Nam Mỹ... và mở rộng ngay tại thị trường nội địa, như tổ chức hội chợ thuỷ sản ở Hà Nội. Nhưng điều quan trọng là, làm sao để sản phẩm đa dạng, an toàn, sạch bệnh, có giá cạnh tranh. Và cốt lõi vẫn là thị trường trong nước'', Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.

Theo bà Minh, ngành thuỷ sản đã rút ra 3 bài học về xuất khẩu thuỷ sản năm 2002: Thứ nhất, đó là nhờ dựa vào nguồn lực nghề cá nhân dân. Ngành thuỷ sản đã xã hội hóa từ rất sớm, từ khai thác, nuôi trồng sau đó đến khâu dịch vụ và chế biến. Thứ hai, ngành đã chủ động phát triển thị trường, chủ động đáp ứng các chuẩn mực của thị trường quốc tế trong dịch vụ và sản xuất thuỷ sản, trước hết là chế biến. Do đó, bộ mặt của công nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam đã thay đổi hẳn về chất. Đây là kinh nghiệm không chỉ có giá trị thời gian qua, mà cho cả lâu dài. Thứ ba, quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng, các hiệp hội. Các hiệp hội, tổ chức, phải gắn với những sản phẩm cụ thể, nhãn mác từng vùng để vừa bảo vệ lợi ích cho dân, vừa bảo toàn nguồn lợi, môi trường thuỷ sản.

 

Bà Minh dự báo, năm 2003, thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sẽ khó khăn hơn nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Iraq. ''Việc đạt kim ngạch hay không, theo tôi, còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là về thị trường. Khi tham gia vào thị trường thế giới, ở hàng TOP như hiện nay, với kim ngạch 2 tỷ USD, đã đến lúc chúng ta phải cân nhắc rất kỹ đến hiệu quả xuất khẩu với giá trị kim ngạch xuất khẩu''.

  • Hà Yên

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội chưa từng có để vay USD (12/01/2003)
Thị trường nhà đất 2003 sẽ sáng sủa hơn? (11/01/2003)
Lềnh phềnh... mì tôm (11/01/2003)
TP.HCM sẽ có KCN sản xuất ôtô, đóng tàu (11/01/2003)
Hàng hiệu Việt Nam vào chợ (11/01/2003)
10 tỷ đồng cho chương trình khuyến ngư (11/01/2003)
Đà Lạt sẽ có cáp treo vào dịp Tết (11/01/2003)
Kinh doanh thuốc thuỷ sản phải có giấy phép (11/01/2003)
''Ngành nhựa cần phát triển sản phẩm kỹ thuật cao'' (11/01/2003)
San Miguel vẫn đàm phán mua lại Coca Cola Việt Nam (11/01/2003)
Năm 2002, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc vượt 3 tỷ USD (11/01/2003)
Lượng xe máy bán ra thị trường sẽ giảm 1/3 (10/01/2003)
Hà Nội cấp giấy phép đầu tư trong 20 ngày (10/01/2003)
50 triệu USD/năm nhập nguyên liệu nấu bia có lãng phí? (10/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang