Bảo hiểm Việt Nam:
''Thị trường năm 2003 sẽ phát triển mạnh mẽ''
09:09' 15/01/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, thị trường bảo hiểm hiện mới có 17 doanh nghiệp (DN) tham gia. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tiềm năng của thị trường còn rất lớn. Bà Phạm Đoan Trang, Trưởng Phòng Nghiệp vụ kinh doanh Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đã trao đổi với phóng viên VietNamNet về tiềm năng của thị trường này.

- Nhận định của bà về sự phát triển của thị trường bảo hiểm năm 2003?

- Năm nay, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển mạnh so với năm 2002 bởi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá. Thêm nữa, các DN bảo hiểm Việt Nam sẽ phấn đấu mạnh mẽ hơn để cạnh tranh với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Trong năm 2002, dù thị trường bảo hiểm quốc tế có nhiều khó khăn nhưng bảo hiểm Việt Nam vẫn phát triển mạnh. Các công ty đều tăng trưởng, lợi nhuận, doanh thu tăng. Doanh thu của Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đã tăng 2,5 lần so với năm 2001, gấp 5 lần doanh thu 2000. Đó là kết quả những nỗ lực vượt bậc của các công ty bảo hiểm. Năm 2003, Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng doanh số 10-20% so với năm 2002. Ngoài lĩnh vực bảo hiểm dầu khí, chúng tôi cũng sẽ phát triển thêm loại hình bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xây dựng lắp đặt...

- Các DN trong ngành bảo hiểm Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những thách thức trong quá trình hội nhập?

- Chúng tôi rất coi trọng việc không ngừng nâng cao trình độ của cán bộ nhân viên hoạt động trong ngành để đáp ứng những yêu cầu quá trình hội nhập, rút ngắn khoảng cách với bảo hiểm quốc tế. Các DN bảo hiểm Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với nhau, cùng xây dựng ngành bảo hiểm Việt Nam vững mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Các sản phẩm bảo hiểm của chúng tôi sẽ được cải tiến để vừa phù hợp với nhu cầu trong nước, vừa phải hòa nhập với thị trường quốc tế. Chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu khoảng cách giữa bảo hiểm Việt Nam và thị trường quốc tế. Thị trường bảo hiểm Việt Nam khi mới ra đời đã có sự cạnh tranh khốc liệt. Hiện các DN ngày càng có xu hướng hợp tác, đồng thuận hơn để cạnh tranh với các DN nước ngoài.

- Những khó khăn lớn của các DN bảo hiểm?

- Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất mới. Các nhà bảo hiểm hiện cạnh tranh chủ yếu không phải bằng các điều kiện bảo hiểm mà bằng phí bảo hiểm. Nếu các DN không hợp tác với nhau để giữ một mức phí phù hợp với tình hình tổn thất cũng như cung - cầu thị trường thì chính các DN sẽ chịu thiệt hại không ít. Mức phí bảo hiểm tại Việt Nam so với thị trường nước ngoài vẫn còn cao, bởi các tập đoàn bảo hiểm lớn có chương trình bảo hiểm toàn cầu với mức phí rất thấp. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh khá vất vả. Nếu bảo hiểm Việt Nam không cải thiện chất lượng sản phẩm thì khó giành được khách hàng, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thị trường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam có quy mô khá lớn, nhưng phần lớn DN xuất nhập khẩu hiện sử dụng dịch vụ của nước ngoài. Biện pháp của các DN bảo hiểm Việt Nam nhằm giành thị phần trên ''sân nhà'' của mình?

- Chúng tôi đang xem xét mức phí bảo hiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để cải tiến cho hợp lý hơn. Mặt khác, mỗi nhà bảo hiểm cũng ra sức tiếp cận với các DN xuất nhập khẩu, vận động họ sử dụng bảo hiểm trong nước. Hiện các DN bảo hiểm Việt Nam mới bảo hiểm được 20-25% lượng hàng nhập khẩu, đối với hàng xuất còn thấp hơn nữa. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Thương mại giúp đỡ vận động các DN xuất nhập khẩu. Các DN xuất nhập khẩu hãy hiểu rằng, sử dụng dịch vụ bảo hiểm trong nước sẽ rất có lợi cho họ, bởi chúng tôi sẵn sàng có mặt khi họ cần. Mặt khác, theo tôi, DN xuất nhập khẩu và nhà bảo hiểm Việt Nam dễ hiểu nhau và hiểu pháp luật Việt Nam hơn. Chúng tôi còn cố gắng nghiên cứu những điều kiện bảo hiểm của Việt Nam và của thế giới, nếu có sự khác biệt thì chúng tôi sẽ sửa đổi để phù hợp với điều kiện bảo hiểm quốc tế và yêu cầu của các khách hàng trong nước.

- Kế hoạch của Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam trong năm 2003 để mở rộng thị phần?

- Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam hiện chủ yếu bảo hiểm các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí như thăm dò, khai thác ngoài khơi, bảo hiểm cho các đội tàu của ngành dầu khí... Các năm trước, 90% doanh thu của chúng tôi xuất phát từ ngành dầu khí. Gần đây chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ loại hình bảo hiểm tài sản, cháy nổ, bảo hiểm các dự án lớn như xây dựng cảng Hải Phòng giai đoạn II, xây dựng cầu Cần Thơ, cầu Bính... Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động đồng bảo hiểm với các DN khác để cung cấp dịch vụ cho các dự án lớn.

- Các DN trong ngành có kiến nghị gì với các cơ quan Chính phủ để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam?

- Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính xem xét các chính sách về thuế áp dụng trong ngành. Trước đây, chúng tôi từng đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế VAT cho bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng chưa được Bộ chấp thuận. Chúng tôi cũng mong Bộ Thương mại giúp đỡ hơn nữa để vận động các DN xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ của chúng tôi.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam mới thực sự phát triển từ năm 1995, khi thế độc quyền của Tổng công ty Bảo Việt bị phá vỡ. Doanh số của ngành năm 2001 khoảng 5.202 tỷ đồng, trong đó, hơn 50% là doanh thu của bảo hiểm nhân thọ. Luật Bảo hiểm được thông qua năm 2000, trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp... là những loại hình bắt buộc. Tuy nhiên, đến nay, riêng hình thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới vẫn chưa được áp dụng triệt để do chưa có chế tài. Theo ông Hoàng Diệu, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DN bảo hiểm đang tham gia xây dựng văn bản pháp quy để nhanh chóng đưa chế tài vào thực hiện.

 

Hiện mới có 5 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam: Allianz (Đức), Chinfon - Manulife (Canada), Groupama (Pháp), AIA (Mỹ), Prudential (Anh). Bên cạnh đó, 5 công ty liên doanh đang hoạt động là VIA, UIC, Bảo Minh CMG, BIDV-QBE, Samsung-Vina. Thị phần lớn nhất vẫn thuộc về các ''đại gia'' là DN Nhà nước: Bảo Việt (chiếm gần 50% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ và khoảng 35% thị phần bảo hiểm nhân thọ), Bảo Minh, VINARE (DN duy nhất kinh doanh tái bảo hiểm) và PIVC.

 

Ở Việt Nam có đến 40 văn phòng đại diện của các tập đoàn bảo hiểm và môi giới bảo hiểm có tầm cỡ của thế giới. Khách hàng chủ yếu của những đại diện này là DN có vốn đầu tư nước ngoài và những dự án xây dựng lớn. Họ thường cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thị trường ôtô Việt Nam tăng trưởng 37% (15/01/2003)
Sẽ giảm xuất khẩu than (15/01/2003)
Tạm ngưng cấp, chuyển nhượng đất tại đảo Phú Quốc (15/01/2003)
VP Bank tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 5 năm (15/01/2003)
Toyota Việt Nam có Tổng Giám đốc mới (14/01/2003)
Hàn Quốc kiện V-Flame bán phá giá bật lửa gas (14/01/2003)
Lợi dụng chuyển khẩu để gian lận thương mại (14/01/2003)
Phát hiện 1.048 tỷ đồng các khoản chi, nộp ngân sách sai quy định (14/01/2003)
Pacific Airlines mở đường bay Đà Nẵng - Hà Nội - Đà Nẵng (14/01/2003)
Nhật Bản giúp DN Việt Nam hiểu thêm về CEPT (14/01/2003)
Lễ hội ''Văn hoá ẩm thực Việt Nam & ASEAN'' (13/01/2003)
Hàng không Việt Nam vận chuyển 25% du khách đến Campuchia (13/01/2003)
Thị trường Tết bắt đầu sôi động (13/01/2003)
Việt kiều đầu tư vào trang trại tăng đột biến (13/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang