Thứ trưởng Bộ Công Nghiệp Bùi Xuân Khu nhận xét: "Ngành giấy Việt Nam được coi là yếu nhất trong khối ASEAN cả về quy mô, công nghệ thiết bị lẫn kinh nghiệm sản xuất...". Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ngành giấy thật sự lo âu về sức cạnh tranh của giấy ngoại khi mức thuế nhập khẩu sản phẩm giấy các loại từ 40-50% giảm xuống còn 20%.
|
Giá thành giấy trong nước thường cao hơn 1,2-2 triệu đồng/tấn so với giấy nhập khẩu. |
"Mỏng về mọi mặt"
Ông Lâm An Dậu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Vĩnh Tiến đã khái quát về ngành giấy như sau: "Công nghệ, máy móc của ta quá lạc hậu, nội lực lại phân tán, năng suất thấp, chất lượng không ổn định".
Trước hết cần thấy rằng thiết bị sản xuất cũng như trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn lạc hậu. Một chuyên gia ngành giấy cho biết: "Điều này đưa đến năng suất cán giấy của ta thấp, chỉ được khoảng 200m/phút cho loại giấy khổ 2,6m. Trong khi thế hệ máy xeo giấy mới mà các nước đang sử dụng là 2.000 m/phút cho khổ 10m".
Hiện tổng sản lượng toàn ngành ước khoảng 400.000 tấn giấy và bìa/năm, chủ yếu là giấy viết, giấy báo và giấy carton trong đó Tổng Công ty Giấy Việt Nam chiếm hơn phân nửa. Trong khi đó công suất của Indonesia chừng 10 triệu tấn/năm, hay chỉ một nhà máy sản xuất tại Thái Lan cũng đạt khoảng 400.000 tấn/năm.
Chỉ cần nhìn quy trình sản xuất giấy của các nước ASEAN cũng thấy: hoàn toàn khép kín từ khâu trồng cây nguyên liệu, sản xuất bột giấy cho đến khi ra giấy thành phẩm. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến giá thành giấy trong nước thường cao hơn 1,2-2 triệu đồng/tấn so với giấy nhập khẩu.
Làm cách nào để tồn tại?
Hiện một trong những loại giấy có khả năng cạnh tranh là mặt hàng giấy vệ sinh. Ông Hồ Văn Cung - Giám đốc Công ty giấy Mai Lan nói: "Mặc dù chất lượng giấy vệ sinh trong nước thua hàng ngoại, nhưng do đặc điểm thị trường trong nước là người dân xài hàng không quá cao cấp với túi tiền nên nếu doanh nghiệp kềm giữ được chi phí sản thấp thì khả năng cạnh tranh có thể tồn tại".
Mặt khác, do đặc điểm của mặt hàng này khá cồng kềnh, chi phí vận chuyển tốn kém nên đây có thể được coi là lợi thế duy nhất của doanh nghiệp trong nước khi đối đầu với doanh nghiệp trong khu vực AFTA muốn đưa hàng sang bán tại Việt Nam.
Một mặt hàng khác cũng có thể cạnh tranh được là khăn giấy. Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công ty giấy Vĩnh Huê, giấy của các nước này giá thường cao hơn giấy trong nước khoảng 15% do chất lượng "quá cao", trong khi người dân chỉ yêu cầu chất lượng vừa phải và giá cả hợp túi tiền.
Như vậy bằng mọi giá phải giảm giá thành các mặt hàng giấy vệ sinh, khăn giấy xuống để có thể duy trì được khả năng cạnh tranh. Muốn vậy các doanh nghiệp phải làm sao để giảm chi phí sản xuất bằng cách cải tiền dây chuyền sản xuất.
Hiện mục tiêu cam go nhất đối với Công ty giấy Vĩnh Huê là giảm giá thành các loại giấy trên xuống 15-20%. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư thêm thiết bị, công nghệ mới để sản xuất những loại giấy cao cấp, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Còn với Công ty giấy Mai Lan, kế hoạch hợp tác làm ăn với hai tập đoàn lớn về giấy vệ sinh của Mỹ và Thái Lan đang được xúc tiến. Công ty cũng đang dự tính mời các doanh nghiệp trong ngành đầu tư một nhà máy xeo giấy lụa hiện đại có chất lượng ngang bằng với khăn giấy lụa của nước ngoài.
Vĩnh Tiến cũng vừa đưa vào hoạt động dây chuyền tráng phủ các loại giấy bao bì và dây chuyền sản xuất giấy photocopy cao cấp của Đức và Nhật trị giá 50 tỉ đồng.Việc đầu tư nói trên nhằm mở rộng thêm mặt hàng, tiến dần đến việc giảm bớt nhập khẩu một số chủng loại giấy và khép kín dây chuyền sản xuất giấy của công ty từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm.
(Theo Tuổi Trẻ) |