Xúc tiến thương mại trong nông nghiệp:
''Phải thay đổi từ nếp nghĩ''
08:53' 17/01/2003 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác XTTM thời gian tới.

''Cái khó của chúng ta hiện nay là sự thay đổi về nếp nghĩ. Chưa ai coi chuyện thông tin, đặc biệt là thông tin thị trường là đầu tư cơ bản, là đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây một cái cống, vài tỷ đồng cho một nhà máy, song, thông tin là cái người dân, DN thiếu nhất lại chưa được đầu tư là bao'', Giám đốc Trung tâm thông tin NN-PTNT Đặng Kim Sơn bức xúc với VietNamNet.

Trung tâm thông tin NN-PTNT của Bộ - cơ quan gánh nhiệm vụ quan trọng là cung cấp thông tin, dự báo giá cả thị trường trong và ngoài nước, hiện cũng chỉ như một địa chỉ thu thập số liệu thống kê từ các địa phương. Chính Giám đốc Đặng Kim Sơn cũng thừa nhận điều này. Ông Sơn nói: ''Ngành nông nghiệp mới triển khai hoạt động XTMT hai năm nay. Một quốc gia, để xây dựng hệ thống thông tin, đội ngũ dự báo thị trường phải mất ít nhất 5-10 năm. Muốn dự báo chính xác phải có cán bộ được đào tạo hẳn hoi, cùng với một công cụ phân tích khoa học và lượng thông tin khổng lồ để cho họ nấu nướng''. 

Do chưa có sự đồng bộ nên hiện nay, ''khi chúng tôi với tay xuống thì ở dưới cơ sở lại chưa vươn được tay ra. Có nhiều nơi còn chưa có người, rất nhiều nơi có người rồi nhưng không có máy vi tính, không có tiền để vào Internet, để gọi điện thoại; nơi có máy, có tiền song lại chưa được đào tạo vào Internet. Cho nên, chúng ta còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, mà trước hết là thiếu sự đầu tư đồng bộ'', ông Sơn phát biểu trước Hội nghị ''Xúc tiến thương mại và tự do hóa thương mại hàng nông lâm sản'', do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay (16/1), tại Hà Nội,.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: ''Ảnh hưởng của thị trường là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại mà còn tác động đến sản xuất của ngành. Đối với nông nghiệp, thị trường là yếu tố số một, nếu không nói là yếu tố quyết định. Bà con nông dân sẽ sản xuất nhiều hơn, tốt hơn nếu chúng ta giúp họ tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo giá cả''. 

Thứ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trước đây, ngành nông nghiệp Việt Nam mới chỉ bàn về sản xuất, chưa chủ trọng đến thị trường; nhưng gần đây, đặc biệt là năm 2002, đã có sự chuyển hướng rõ rệt: trước khi sản xuất phải bàn đến thị trường. ''Làm cái gì, làm như thế nào để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm? Mục đích cuối cùng của chúng ta không phải là số lượng mà là thu nhập, việc làm cho nông dân'', Thứ trưởng nói.

Các Sở NN-PTNT vẫn lúng túng

Ông Lãnh Danh Gia, Trưởng phòng Chính sách (Sở NN-PTNT Cao Bằng), cho biết, khó khăn lớn nhất mà Cao Bằng gặp phải hiện là vấn đề kỹ thuật: làm thế nào để phối hợp giữa Bộ NN-PTNT, các Sở, huyện, xã?. ''Chúng tôi vẫn đang lấn bấn lắm. Ở trên thì nói nhiều về xúc tiến thương mại (XTTM), song ở tỉnh, chúng tôi chưa nắm được hoạt động này. Ví như hướng xúc tiến, rồi cách làm, giá cả, lãi lời... để thông tin đến nông dân, để họ có thể tự quyết định phương án đầu tư cho mình. Ý tưởng là vậy, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết tổ chức ra sao. Hôm nay tôi hăm hở đến dự hội nghị này cũng là mong nắm được cách XTTM''.

Ông Gia cho rằng, thông tin về thị trường hầu như chưa thật đầy đủ đến nông dân Cao Bằng. Như cây mía chẳng hạn, chỉ có ''ông'' nhà máy đường thông tin đến nông dân; còn mặt hàng thuốc lá sợi vàng thị trường thế nào, giá cả ra sao hầu như người nông dân chưa nắm chắc, đến vụ thu mua, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long mới đưa ra các tiêu chuẩn rồi phân cấp, làm giá tự nhiên tụt xuống; hay mặt hàng đậu tương cũng vậy.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Sở NN-PTNT Hòa Bình cũng cho rằng, do hoạt động XTTM của ngành nông nghiệp mới triển khai hai năm nay, nên tỉnh cũng đang bí về cách làm. Hiện Hòa Bình có mới có một người được phân công chịu trách nhiệm về hoạt động này, song đến nay, việc XTTM hầu như chưa được triển khai.

''Chúng tôi không muốn đi xin nữa''

Phát biểu này của Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Phạm Kim Phong chứng minh cho việc thiếu kinh phí hoạt động XTTM hiện nay, không chỉ của riêng các hiệp hội, tổ chức, mà ở cả các địa phương, DN. Theo ông Phong, năm qua, nhờ XTTM, các DN đã xuất được sang thị trường Pakistan 16.000 tấn, tăng 6.000-7.000 tấn so với năm 2001. Xuất khẩu chè sang thị trường Mỹ cũng trên 2.000 tấn. ''Nhưng làm thế nào để duy trì được những thị trường này, nếu chúng ta thiếu kinh phí để XTTM. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước và Bộ NN-PTNT có chính sách rõ ràng: đi xúc tiến như thế nào, được hỗ trợ ra sao, chứ hiệp hội nhất định không đi ''xin'' nữa'', ông Phong kiến nghị.

Giám đốc Trung tâm NN-PTNT Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, phải xây dựng đồng bộ mỗi tỉnh một hệ thống thông tin. Chỉ riêng hệ thống này ở các tỉnh nối với nhau và nối với các địa phương thì đã giúp ích cho người dân rồi. ''Điều này còn ích hơn là giúp cho chúng tôi. Tỉnh nào có hàng hóa xuất khẩu nhiều, nhập nhiều vật tư thì thông tin trong nước và quốc tế đặc biệt quan trọng. Đối với hàng hóa vận chuyển liên tỉnh, chuyển về Hà Nội, TP.HCM, lúc đó thông tin quốc gia là quan trọng. Còn nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, thông tin tại chỗ lại hết sức cần thiết''.

Ông Sơn cho biết, để xúc tiến công tác XTTM, Trung tâm thông tin NN-PTNT đã tuyển chọn 5 thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài; cử 3, thời gian tới thêm 5 người nữa, đi học cao học; đồng thời, thuê một loạt chuyên gia nước ngoài đến đào tạo. ''Đây không phải là chuyện của một năm mà dài hạn. Hiện nay, Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống dự báo thị trường của nước ngoài, tới đây, chính chúng ta phải tự dự báo cho mình''.

Năm 2002, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng, giá trị xuất khẩu, như gạo đứng thứ ba, cà phê thứ hai, hồ tiêu thứ nhất; song, người tiêu dùng các nước lại ít biết đến. Làm thế nào để họ biết sản phẩm, tin vào sản phẩm của ta và chọn mua sản phẩm? ''Vấn đề này DN phải làm, nhưng Nhà nước cũng cần hỗ trợ công tác XTTM, để 80 triệu người Việt Nam có niềm tin vào hàng nông sản Việt Nam, trước khi chúng ta đi gây dựng niềm tin ở các nước'', Thứ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bà Phạm Thị Tước, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Quy hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết, triển khai hoạt động XTTM, website nội bộ của ngành (Agroviet) đã xây dựng được chuyên trang về 10 mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường... ; cập nhật hệ thống chính sách liên quan, thông tin KHKT bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Bên cạnh đó, hỗ trợ 7 tỉnh xây dựng thí điểm mạng lưới thông tin từ xã - huyện - Sở đến Bộ NN-PTNT để thiết lập thông tin hai chiều giữa trung ương và địa phương.
  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ cải tạo, xây mới 10 chợ ở mỗi tỉnh thành (17/01/2003)
Nhu cầu mua USD tiền mặt tăng (17/01/2003)
Chưa thấy ''ánh sáng cuối đường hầm'' (17/01/2003)
Trái phiếu kho bạc khó bán (17/01/2003)
Đông Á cần chú trọng hơn đến công nghệ (16/01/2003)
Trồng ngô rau lãi gấp 3 lần trồng lúa (16/01/2003)
EAB phát hành thẻ thanh toán tiếng Việt (16/01/2003)
Giá dầu thô lên trên 33 USD/thùng (16/01/2003)
Cuộc đua trà túi lọc (16/01/2003)
Bốn phẩm chất tạo nên sức cạnh tranh (16/01/2003)
Lại đề nghị tăng thuế nhập khẩu phân bón (16/01/2003)
Mứt thủ công vào mùa (16/01/2003)
Ban hành chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch (16/01/2003)
Quảng Ninh huỷ tour lữ hành qua biên giới Việt - Trung (16/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang