(VietNamNet) - Tương lai Đông Á sẽ trở thành một khu vực kinh tế năng động, giàu tiềm năng nhất thế giới có thể trở thành hiện thực nếu như khu vực này thực hiện một chương trình cải cách thể chế và cam kết đổi mới công nghệ. Song song đó là đầu tư vào giáo dục và tri thức.
|
Đường phố Tokyo | Những hoạt động này sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào viễn cảnh phát triển của khu vực và đẩy nhanh những quốc gia đang ở trong thời kỳ chuyển đổi vào hàng ngũ các quốc gia phát triển. Đây là viễn cảnh tăng trưởng dựa trên một nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới có tên gọi: '' Đổi mới ở Đông Á - Tương lai của phát triển''. Báo cáo trên được công bố ngày hôm nay (16/1) ở Tokyo, Nhật Bản.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James D. Wolfensohn hiện đang ở Tokyo để công bố bản báo cáo này. Ông James D. Wolfensohn bình luận rằng: ''Nếu như Đông Á không tiến tới một mô hình sản xuất dựa vào công nghệ hơn là dựa vào các yếu tố sản xuất, thì sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hơn trong tương lai, và với sức tăng trưởng thấp hơn đó, các cơ hội giảm nghèo cho hàng triệu người, có hội mang lại cuộc sống tốt đẹp, nền giáo dục tốt hơn và tương lai tốt hơn cho hàng triệu người sẽ biến mất''. Ông tiếp: ''Điều quan trọng là, các quốc gia Đông Á dù rằng đang phải đương đầu với các thách thức ngày nay về những ưu tiên trước mắt và những mối quan tâm cấp bách, thì vẫn phải nắm lấy các cơ hội sáng kiến để bắt đầu gieo hạt cho một tương lai cải tiến công nghệ và có tính cạnh tranh hơn''.
Các nghiên cứu của WB cũng chỉ ra rằng, trong khi các nguồn đầu vào là động lực chính của tăng trưởng trong thời gian trước đây, thì ngày nay tương lai của Đông Á phụ thuộc vào một môi trường thúc đẩy cải tiến công nghệ. Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng mô hình phát triển thành công của Đông Á sẽ có xu hướng trở nên kém hiệu quả hơn trong tương lai, cùng với lợi nhuận giảm dần mặc dù trong 3 thập kỷ vừa qua, Đông Á được đánh giá là khu vực có tăng trưởng ngoạn mục và cùng với sự tăng trưởng đó là giảm nghèo. Những yếu tố làm cho tính hiệu quả của mô hình châu Á bị giảm đi là: xuất khẩu của châu Á đang chuyển sang các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, việc cạnh tranh nhiều hơn từ các nhà sản xuất có chi phí thấp hơn và từ các nhà chế xuất theo hợp đồng trên qui mô toàn cầu.
WB cho rằng, con đường duy nhất trước mặt là các nền kinh tế đang công nghiệp hoá của châu Á phải vượt qua giai đoạn mô phỏng của phát triển để bước vào giai đoạn cải tiến công nghệ, tăng giá trị sản phẩm và mở rộng dịch vụ. Cả hai cách này đều đòi hỏi phải có tập trung vào cải tiến công nghệ như là động lực chính của tăng trưởng.
Cố vấn kinh tế của WB, ông Shahid Yusuf, nói thêm: ''Cách mạng công nghệ tiếp tục tăng tốc, việc tổ chức sản xuất đang được chuyển đổi do đầu tư nước ngoài tăng lên và mạng lưới sản xuất quốc tế xuất hiện đã đưa các nhà cung ứng, các nhà lắp ráp, các nhà quản lý dây chuyền cung ứng và các nhà tiêu bao vào một quan hệ năng động. Đông Á phải điều chỉnh theo những thay đổi này, nếu không sẽ phải chịu rủi ro là tụt hậu”
Nhìn về tương lai: 10 thông điệp chính sách
Với sự hiểu biết rằng mỗi quốc gia cần theo đuổi một loạt những chính sách khác nhau phù hợp với mức thu nhập, với mức phát triển về thể chế, với lịch sử gần đây và khả năng tạo dựng, tài chính và khả năng thực hiện các chính sách của chính phủ của mình. Nghiên cứu này khuyến nghị 10 thông điệp chính sách mà tất cả các nền kinh tế Đông Á có thể sự dụng khi họ muốn vạch ra con đường phát triển trong thế kỷ 21:
Các chính sách kinh tế vĩ mô gồm: Nâng cao hiệu quả trong chi tiêu công cộng và quản lý cẩn trọng hơn các món nợ, gồm cả các khoản nợ dự phòng của chính phủ; Quản lý tỷ giá hối đoái sao cho có thể duy trì mức dao động lề phù hợp với mức quy mô và mức độ mở cửa của quốc gia; Phối hợp trong khu vực để tăng cường ổn định tài chính, duy trì tăng trưởng thương mại và thúc đẩy cạnh tranh.
Các chính sách về mặt thể chế gồm: Cải cách tài chính để tạo điều kiện cho cơ cấu lại hoặc tái cấp vốn cho ngân hàng và xây dựng thị trường và các thể chế điều tiết; Cải cách hệ thống tài chính có nghĩa là chính phủ và các nhóm doanh nghiệp sẽ cần từ bỏ những nỗ lực hướng những luồng tài chính ra khỏi ngân hàng; Điều tiết lại thị trường để thúc đẩy cạnh tranh sẽ giúp làm hẹp khoảng cách công nghệ trong dịch vụ như trong tài chính và bán lẻ giữa Đông Á và các quốc gia phương Tây hàng đầu; Các biện pháp làm cho hệ thống pháp luật trở thành các công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và thi hành luật sẽ là rất quan trọng để hỗ trợ cải cách tài chính và quản trị công ty.
Các chính sách nhằm tăng cường cải tiến gồm: Chất lượng của giáo dục bậc cao và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẽ quyết định sự thành công của hệ thống cải tiến và là bàn đạp cho tăng trưởng; Những khu đô thị công nghệ cao của công nghiệp và dịch vụ như Tokyo Kyoto là một trong những chìa khoá chủ chốt của hệ thống cải tiến....
Cải tiến công nghệ ở Đông Á là báo cáo chủ yếu xuất phát từ Dự án Nghiên cứu Viễn cảnh Phát triển của Đông Á, theo gợi ý của Nhật Bản đối với Ngân hàng Thế giới nhằm tìm hiểu những hướng chuyển đổi kinh tế trong tương lai ở Đông Á. WB đã tập hợp nhóm nghiên cứu và làm việc phối hợp chặt chẽ với một hội đồng học giả của Đông Á để xác định một nghiên cứu và khẳng định các xu hướng thay đổi và gợi ý về chính sách cho các nền kinh tế khu vực để các nền kinh tế này có thể duy trì động lực tăng trưởng trước đây trong một bối cảnh kinh tế đang thay đổi.
Nghiên cứu này là một công trình tiếp theo của Dự án ''Sự thần kỳ Đông Á'' hồi đầu những năm 1990, nhưng được thiết kế với quy mô rộng lớn hơn, và với viễn cảnh nhìn vào tương lai hơn. Tập đầu của nghiên cứu này, được công bố hồi tháng 10 năm 2002 với tên gọi ''Đông Á có thể cạnh tranh được không?'' đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về những vấn đề gắn với việc vạch ra một con đường chiến lược cho tương lai. |
|