Ghi chép của Phan Thế Hải
(VietNamNet) - Dung Quất những ngày đầu năm 2003. Dọc theo Quốc lộ 1 từ Bình Định ra Quảng Ngãi là bức tranh đồng quê đẹp như trong mơ. Những cánh đồng lúa con gái xanh ngắt, lơ đãng những cánh cò chao liệng trong bầu không khí trong veo và mát dịu sau những trận mưa đêm hiếm hoi của xứ Nam Trung bộ vào mùa khô.
|
Thi công đê chắn sóng |
Dung Quất là địa danh thuộc huyện Bình Sơn, nằm ở Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Cái tên Bình Sơn đã nói lên khá đầy đủ về địa hình của vùng đất này. Bình Sơn (Núi bằng) là huyện bán sơn địa, không hoàn toàn là đồng bằng nhưng cũng không có núi cao, là khu vực tốt để xây dựng khu công nghiệp. Hai bên đường dọc theo đại lộ, từ lối rẽ Dốc Sỏi xuống Dung Quất là những ngọn đồi lúp xúp như bát úp.
Nơi này cách đây 10 năm, dự án “Cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất” đã bắt đầu khởi động.
Những con đường ngập cát trắng nhỏ bé ngày nào nay đã biến mất, thay vào đó là đại lộ rộng thênh thang. Nếu không có những chú bò thả rông ung dung gặm cỏ bên vệ đường và ngẫu hứng “biểu diễn thời trang”, xe ôtô có thể vô tư phóng với tốc độ với 100km/giờ có dư.
Mười năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng và báo chí đã tốn không ít giấy mực về dự án khổng lồ này. Thật lòng, đọc những bài viết của đồng nghiệp, tôi không khỏi lâng lâng. Là người đã được sinh ra ở giải đất miền Trung nghèo khó, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy nghèo đói và thiên tai luôn luôn đeo đẳng dải đất này.
Năm 1994, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Hữu Tôn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, lúc bấy giờ, sau khi vẽ lên viễn cảnh một dung quất đồ sộ, không kìm được xúc động ông nói: “ …Đến 2000-2005 sẽ chính thức hình thành một thành phố mới rất hiện đại trên đất nước chúng ta, đó là thành phố mang tên chiến thắng Vạn Tường tại xã Bình Hải (Bình Sơn), với quy mô giai đoạn đầu cỡ 15.000-20.000 dân. Đây là thành phố hiện đại, với những chung cư cao trên 5 tầng, từ đây sẽ có những con đường cao tốc đi về các khu công nghiệp… ”
Dự án trong mơ
Tháng 6/1993 đã đi vào lịch sử miền Trung khi Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đồng ý thành lập ”Ban chương trình 693” trên cơ sở Nhóm khoa học của Sở KH-CNMT với Phân viện khoa học Việt Nam tại TP.HCM, tiến hành nghiên cứu chương trình Cảng biển nước sâu Dung Quất.
Dự án Cảng nước sâu và Tổ hợp công nghiệp Dung Quất đã được khởi đầu như vậy. Theo đó, tổ hợp công nghiệp Dung Quất sẽ được hình thành trên cơ sở 4 khu: Khu công nghiệp A với cụmg cảng nước sâu đảm bảo 4 chức năng là Cảng dầu khí, Cảng container, Cảng thương mại và Cảng dịch vụ với lượng hàng hoá qua cảng hàng năm dự kiến từ 20-30 triệu tấn/năm giai đoạn 1 và 80-100 triệu tấn/năm khi hoàn thành công trình. Riêng bãi container có công suất cỡ 3 triệu container/năm, tương đương 30 triệu tấn hàng hoá thông qua.
Khu công nghiệp B sẽ xây dựng công nghiệp luyện cán thép, cán thép ống và đúc ống thép với công suất 2 triệu tấn/năm - (gấp 10 lần khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên tại thời điểm đó). Khu C là khu công nghiệp nhẹ; khu công nghiệp D là khu chuyên sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm… Mỗi khu công nghiệp đều cỡ dăm bảy trăm héc ta, ngoài ra còn có Trung tâm kỹ thuật cao về nông nghiệp với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, cỡ 500ha... |
Hầu bao đã được dốc
Sau khi Dự án Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng trăm doanh nghiệp và cơ quan bộ ngành đã vào cuộc. Tiền được đổ về Dung Quất. Là một tỉnh miền Trung, dân số hơn 1 triệu người với mức thu ngân sách hàng năm chỉ xấp xỉ vài trăm tỷ đồng, nhưng mười năm qua, chi phí cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Quảng Ngãi liên tục tăng và đã vượt xa con số ngàn tỷ từ nhiều năm nay. Cảng Dung Quất, do Công ty dịch vụ dầu khí giai đoạn 1 đầu tư, với bến tàu số 1 cho phép tàu có trọng tải 10.000 tấn cập bến. 10.000m2 bãi và hơn 1.000m2 kho là 100 tỷ đồng, hiện do Xí nghiệp dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi khai thác.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Đức Sơn, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ dầu khí, cho biết: Bến số 1 đã được khánh thành từ tháng 2/2002, sau một năm đi vào hoạt động đã có 75 lượt tàu ra vào với sản lượng bốc xếp đạt 70.000 tấn. Để cảng Dung Quất có thể hoạt động ổn định, cần phải xây kè chắn sóng với chiều dài 1,6km với số vốn đầu tư theo tính toán ban đầu là 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào thời điểm này thì số vốn sẽ lớn hơn nhiều. Hiện tại, hơn 500m đê chắn sóng đã được xây dựng nhưng còn tuỳ thuộc vào mức độ khai thác cảng để tiếp tục rót vốn.
Đón đầu cho khu công nghiệp và thành phố Vạn Tường, các điều kiện về hạ tầng như gồm: Nhà máy cấp nước, nhà máy điện, trường dạy nghề, bệnh viện đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Hệ thống cáp viễn thông đều đã được đầu tư khá đồng bộ đang chờ khai thác. Tuy nhiên, những cư dân của thành phố thì chỉ mới lơ thơ vài hộ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Hàng trăm km đường đã đã được đầu tư, cùng với những con đường cao tốc là nhiều tỷ đồng bị chôn vùi mà chưa có cơ hội sinh lợi. Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết: năm 2002, Quảng Ngãi thu 249 tỷ nhưng mức chi, kể cả đầu tư xây dựng cơ bản là 2.395 tỷ đồng. Chi cho Dung quất là bao nhiêu chưa có con số chính xác, nhưng chắc chắn là không dưới ngàn tỷ mỗi năm.
Một ngàn tỷ với lãi suất khiêm tốn 5% mỗi năm, thì mỗi năm sẽ có 50 tỷ đồng đội nón ra đi. Theo cách tính này, với năm ngàn tỷ đồng vốn đã đầu tư, chi phí vốn sẽ là 250 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với số thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Một ngày chậm trễ đối với Dung Quất là mỗi ngày mà số tiền ra đi tương đương với số tiền Cục thuế Quảng Ngãi thu được.
Chờ đợi Nhà máy lọc dầu
Cơ sở để các nhà hoạch định vẽ nên viễn cảnh Dung Quất là công nghệ lọc hoá dầu. Theo số liệu của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, năm 2002, Việt Nam xuất 16 triệu tấn dầu thô, thu về 3,2 tỷ USD ( đã được làm tròn). Trong khi đó, hàng năm, chúng ta vẫn phải bỏ ra một lượng ngoại tệ khoảng 4,5 tỷ USD để nhập xăng dầu và các phụ phẩm dầu mỏ.
Bán nguyên liệu, nhập thành phẩm là cách làm hoang phí nhất mà đến những quốc gia ''ngồi trên mỏ dầu'' như Arab Saudi, Kuwait, Iran… cũng cảm thấy xót ruột, huống hồ là Việt Nam. Một tấn dầu thô giá hiện tại tương đương 200USD, ngoài việc chưng cất lấy xăng, lấy dầu, lấy nhựa đường, còn có thể chế biến ra hàng trăm phụ phẩm khác. Một tấn xăng đang được nhập với giá xấp xỉ 300USD. Không còn nghi ngờ gì nữa, lọc dầu đang là một trong số ít các ngành công nghiệp có khả năng sinh lời cao. Bài toán kinh tế đã rõ, chưa kể đến chuyện thiên hạ đang đảo điên dưới sự thao túng của Mỹ, hết chuyện cấm vận nước này đến thanh sát nước kia, khiến thị trường thế giới chao đảo. Mỗi một sự đỏng đảnh của các nhà chính trị bên kia bán cầu cũng đủ cho giá cả phập phù lên xuống, Ban vật giá Chính phủ lại phải bù đầu tính toán xem điều chỉnh giá này, bình ổn giá kia…
Nhà máy lọc dầu hẳn là cần kíp lắm rồi, vậy thì đặt ở đâu, để vừa mang lại lợi ích cho quốc gia lại vừa cải thiện được tình trạng mất cân đối giữa ba miền. Dung Quất đã vượt qua nhiều ứng cử viên khác để chọn xây dựng Nhà máy lọc dầu trong hoàn cảnh đó. Với công suất giai đoạn 1,6 triệu tấn dầu thô/năm, số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là niềm hy vọng của khu kinh tế phức hợp Dung Quất.
Hàng trăm km đường cao tốc với số vốn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng đã được xây dựng. Quảng Ngãi trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư, Không ai nghi ngờ về quyết tâm của Quảng Ngãi. Không ai nghi ngờ về sự thành công của Tổ hợp dự án lớn nhất nước này.
Trên hàng chục cây số đường cao tốc mà chúng tôi có mặt, hai bên đường chủ yếu là rừng phi lao suốt ngày vi vu trong gió. Khu công nghiệp lọc hoá dầu liên doanh Vietross, đứa con của cuộc hôn nhân giữa Vietsopetro với tập đoàn dầu khí của Chính phủ Nga người ta cảm thấy vắng vẻ hiu quạnh.
Trong làn gió se lạnh đầu năm, khu nhà văn phòng của Tổng công ty Lắp máy Việt nam (Lilama), đơn vị trúng thầu lắp máy cho dự án của nhà máy lọc dầu, vắng hoe không một bóng người. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Đình Sáng, nhân viên bảo vệ duy nhất của Lilama, đang giải sầu với đống báo cũ. Anh Sáng cho biết, Lilama đã kéo quân về đây hơn 1 năm, tưởng như sẽ ngập đầu vì công việc, nhưng nghe đâu, liên doanh với Nga, “cơm chẳng lành,canh chẳng ngọt” nên dự án dẫm chân tại chỗ đã hơn một năm nay.
Sự chững lại của Nhà máy lọc dầu như sự chết lịm của đầu máy, đó là lý do mà tổ hợp dự án Dung Quất bị khựng lại, những đàn bò lại có thể ung dung gặm cỏ trong những khu công nghiệp. Mười năm dự án khu kinh tế phức hợp Dung Quất, năm năm liên doanh Vietross đã trôi qua, đến thời điểm này, được biết rằng, phía Nga đã có ý rút khỏi liên doanh. Vietsopetro đang tìm cho mình vị hôn phu mới. Không ít nhà đầu tư từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản Hàn Quốc sẵn sàng tham gia dự án này, nhưng lựa chọn ai, hình thức hợp tác thế nào là một bài toán cần phải cân nhắc.
Hơn 500 năm trước đây, bằng một ý tưởng lãng mạn, C.Colombo đã vận động được nữ hoàng Tây Ban Nha đầu tư tiền của, mua sắm tàu thuyền để vượt Đại Tây Dương tìm ra châu Mỹ, mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại. Còn ngày nay sự lãng mạn Dung Quất có tạo ra một điểm nhấn mới cho miền Trung cất cánh hay không? Câu trả lời còn đang ở phía trước.
Cùng với sự lãng mạn, cùng với những sự thăng hoa của trí tuệ, chúng ta rất cần những cái đầu lạnh để xác định chuẩn xác những bước đi, cũng như C.Colombo đã từng tỉnh táo tính toán chính xác từng cơn bão có thể ập đến trên đại dương mênh mông đầy bất trắc, có như thế đoàn thuyền của ông mới có thể cập bến vùng đất mới châu Mỹ tràn ngập tài nguyên ánh nắng như sự lãng mạn của ông từng kỳ vọng!
|