(VietNamNet) - Người phát ngôn của Liên minh tôm miền Nam vừa thông báo, họ đã ký hợp đồng với chi nhánh của công ty luật Dewey Ballantine LLP (DB) tại thủ đô Washington. Công ty này sẽ đại diện cho những người nuôi và đánh bắt, các công ty chế biến tôm và các ngành công nghiệp liên quan khởi kiện những quốc gia bị cáo buộc bán phá giá tôm vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Thành lập năm 1909, DB là một công ty luật có uy tín của Mỹ. Họ đặt trụ sở chính tại Manhattan, New York và có văn phòng tại thủ đô Washington, Los Angeles, London, Budapest, Praha, Warsaw và Hongkong. Tính đến ngày 9/12/2002, DB có 357 luật sư hành nghề tại trụ sở chính ở Manhattan. DB rất mạnh về các vấn đề liên quan đến sáp nhập (M&A), chứng khoán và sở hữu trí tuệ. Xung đột trong thương mại quốc tế cũng là một lĩnh vực họ có tham gia.
Bộ phận thương mại quốc tế của DB gồm khoảng 40 người, làm việc tại thủ đô Washington. Nhiều người trong số họ có mối quan hệ mật thiết với Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Họ đã từng tham gia các vụ kiện chống phá giá magiê, hàng dệt may, titan... Với tôm, đây là lần đầu tiên.
"Họ không chỉ kiện một mình Việt Nam. Họ còn kiện các nước khác. Chúng ta có thể liên kết với các nước đó." (Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp, cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư) |
DB đã liên hệ với Bộ Thương mại Mỹ và bắt đầu thu thập thông tin để xem xét "nước nào bán phá giá tôm vào Mỹ". Eddi Gordon (bang Nam Carolina), chủ tịch Liên minh cho biết, việc điều tra sẽ hoàn tất trong vòng sáu tháng. Liên minh tôm miền Nam cũng thuê công ty Livingston của thủ đô Washington và chi nhánh của công ty hợp danh Jones, Walker, Waechter, Poitevent, Carrère & Denègre (Jones Walker) tại bang New Orleans để vận động hành lang.
''Tôm là loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ. Nhưng theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ 12% tôm được tiêu thụ ở Mỹ là tôm Mỹ '' |
Công ty Livingston do cựu nghị sĩ và người phát ngôn Hạ viện Mỹ Bob Livingston thành lập và lãnh đạo. Còn Jones Walker là một trong những công ty luật lớn nhất miền Nam, đã tồn tại 66 năm và hiện có khoảng 220 luật sư. Hai công ty này có quan hệ rất mật thiết.
Và một trong những kết quả đầu tiên của sự hợp tác là Hạ nghị sĩ Ron Paul vừa đệ trình lên Hạ viện Hoa Kỳ Dự luật H.R.5578 chống một số nước, trong đó có Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ. Dự luật này yêu cầu hạn chế số lượng tôm nhập khẩu, đồng thời muốn có những biện pháp trừng phạt về tài chính đối với các nước xuất khẩu.
Về phía Việt Nam, ngày 17/1, bà Phan Thúy Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã nêu rõ: "Cần khẳng định rằng trong việc xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam không vi phạm bất kỳ một quy định nào của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.
Chúng tôi cho rằng, dự luật chống các nước xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ là hành động bảo hộ mậu dịch, trái với tinh thần của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, trái với nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, của chính người tiêu dựng Hoa Kỳ, và đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại mà chính Hoa Kỳ đang thúc đẩy. Chúng tôi yêu cầu Chính phủ, Quốc hội, chính giới Hoa Kỳ ngăn chặn kịp thời dự luật sai trái này, không để sự việc phát triển theo chiều hướng tiêu cực".
"Đối với Việt Nam, đây là một sự kiện rất quan trọng vì tỷ trọng xuất khẩu tôm sú vào thị trường Mỹ còn lớn hơn nhiều so với cá basa. Nó sẽ phức tạp hơn vụ kiện cá basa. Doanh thu nhập khẩu tôm của Mỹ hàng năm lên tới hàng tỷ USD. Tầm ảnh hưởng của nó cũng rộng hơn vì ngoài Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ còn dự định kiện 15 nước khác, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador... Hiện các nhà sản xuất tôm của Mỹ đang dự kiến đến tháng 6 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để đưa ra kiện các nước xuất khẩu tôm.
Khi vừa nhận được thông tin ban đầu, VASEP đã bắt đầu triển khai đặt quan hệ với công ty luật để thuê tư vấn sau này. Đặc biệt, vừa qua VASEP đã phối hợp với các nước khác thành lập Liên đoàn xuất khẩu thủy sản khối ASEAN+Trung Quốc+Ấn Độ. Ngoài ra, về phía khách hàng nhập khẩu tôm của Mỹ hiện cũng đã thành lập một hiệp hội để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ.
Trong vụ kiện tôm này, phía nguyên đơn sẽ không dễ thắng kiện vì khác với cá basa, phía bị đơn đã có chuẩn bị rất chu đáo từ trước. Ngoài ra, về tương quan lực lượng, phía nguyên đơn cũng yếu kém hơn về khả năng tài chính."
(Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trả lời phỏng vấn của báo Lao Động) |
|