|
Số vụ ngộ độc tập thể gia tăng trong năm 2002. |
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng gấp 25-30 lần ngày thường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm. Ông Trần Đáng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trao đổi về vấn đề này.
- Kế hoạch của các ngành chức năng về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết?
- Vào thời điểm cuối năm, hàng thực phẩm nhập khẩu (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) đều tăng bất thường, kể cả chủng loại và giá cả, hàng thật lẫn hàng giả. Chúng tôi thực hiện hai chiến dịch vào dịp Tết. Chiến dịch thứ nhất là thông tin, tuyên truyền cho cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các quy định, tiêu chuẩn và kiến thức về đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm. Thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh.
- Ông có suy nghĩ gì về tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2002?
- Đây thực sự là vấn đề nóng bỏng. Cả năm đã có 194 vụ ngộ độc thực phẩm, gây tử vong cho 69 người. Đáng chú ý là các vụ ngộ độc tập thể, có những vụ lên tới hàng trăm người. Hậu quả nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, thiệt hại về mặt kinh tế ước tính khoảng 500 tỷ đồng/năm. Tình hình sẽ được cải thiện khi Luật Thực phẩm ra đời.
- Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng trong dịp Tết này để tránh ngộ độc thực phẩm?
- Mỗi người hãy tự mình là ''người tiêu dùng thông thái''. Trước khi rút ví, cần xem kỹ nhãn mác hàng hóa mà mình định mua.
(Theo Đầu Tư) |