Dịp Tết Quý Mùi, tiền mới rất ít. Ngân hàng Nhà nước cách đây cả tháng đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là không làm chức năng đổi tiền mới cho các DN và ngân hàng thương mại. Trong khi đó, việc săn lùng tiền mới để mừng tuổi, thưởng cho công nhân viên... vẫn diễn ra nhộn nhịp.
|
Nhu cầu dùng tiền âm phủ gia tăng trong dịp Tết |
Tại thị trường tự do, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đang "ăn nên làm ra". Giá đổi tiền mới đang là một ăn chín đối với tiền mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng; mức giá một ăn tám đối với tiền 1.000 và 500 đồng; cổ nhất là tiền mệnh giá 200 đồng và 100 đồng với tỷ lệ một ăn sáu hoặc một ăn bảy. Phần lớn lượng tiền lẻ, mới ở thị trường chợ đen là do dân buôn góp nhặt ở các nơi: ngân hàng và thu mua, đổi chác ở các chùa chiền... nên mức giá chênh lệch đối với tiền mới cáu cạnh hay hơi nhàu.
Đổi tiền thật lấy tiền... giả
Thị trường tiền "mã" tuy không phải mỗi năm chỉ có một lần sôi động nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung từ "ngân hàng địa phủ" bao giờ cũng căng thẳng. Bởi lẽ, thông thường người ta hay mua nhiều với tâm lý đốt mã cuối năm cho ông bà, bố mẹ, họ hàng, rồi đốt cúng ông Táo, ông Công, đốt cúng thần linh thổ địa...
Năm nay, tháng chạp Âm lịch thiếu nên ngay từ đầu tháng, các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã, Hà Nội đã chuẩn bị một lượng hàng khá lớn cung ứng cho thị trường. Bán chạy nhất là loại tiền "đô la'' in hai mặt với giá 6.000 đồng/đinh, tiền "đô la" in một mặt giá 5.000 đồng/đinh, vàng lá Kim Thành 4.000 đồng/chục, vàng 9999 5.000 đồng/chục, cành vàng lá ngọc 12.000 đến 25.000 đồng/cây... Ngoài tiền mã, bộ lễ tiễn ông Táo, ông Công về trời cũng đang là mặt hàng "top" với giá khá "chát": 70.000 đồng/3 bộ (dành cho 3 người) gồm: hương, áo, mũ cánh chuồn, hài, bệ kê, cá giấy và tiền vàng mã.
(Theo Econet)
|