Mặc dù đã ký hợp đồng bao tiêu trọn gói với 1.176 hộ nông dân trồng bông, nhưng hiện nay, Công ty Bông Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ không thu hồi được vốn do hàng trăm hộ nông dân sau khi được Công ty cho ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng bông nhưng thu hoạch bông lại không bán cho Công ty mà "xé rào", bán hàng trăm tấn bông cho tư thương.
|
Vụ thu hoạch bông Đak Lak |
Nhà nhà bán bông cho tư thương
Đang vào thời điểm chính của vụ bông 2002-2003, khác những năm trước các xe chở bông vải đổ về những đại lý của Công ty Bông Đồng Nai, năm nay hàng trăm hộ nông dân thuộc huyện Xuân Lộc (địa bàn trồng bông chủ yếu của miền Đông Nam Bộ) lại đua nhau chở bông bán tống bán tháo cho tư thương. Thậm chí, có hộ sau khi bán hết bông của mình còn tranh thủ mua bông người khác bán lại cho tư thương để kiếm lời.
Mới đây nhất, Công an xã Lâm San bắt quả tang 2 tấn bông lậu đang trên đường chở bán cho tư thương. Theo thống kê của "nạn nhân" là Công ty Bông Đồng Nai, ước tính hơn 350 tấn bông do công ty đầu tư đã bị các hộ nông dân "xé rào", vi phạm hợp đồng và bán trọn cho tư thương.
Vì sao nông dân "xé rào"
Những hộ nông dân đã "xé rào" vi phạm hợp đồng với Công ty Bông Đồng Nai cho rằng: Nông dân bán bông cho tư thương hoàn toàn không phải vì giá. Bởi giá mua của Công ty Bông Đồng Nai là 5.100 đồng/kg, giá mua của tư thương cũng bằng đó, có cao hơn cũng chỉ 5.200 đồng/kg. Nhưng tại sao nông dân vẫn bán ào ạt cho tư thương?
Ông Đặng Văn Thân (ấp 3, xã Sông Ray, huyện Xuân Lộc) nói: "Tư thương mua bông rất dễ dãi. Họ mua ngay tại ruộng, tại nhà với giá cào bằng như nhau. Còn Công ty Bông Đồng Nai, muốn bán được, chúng tôi phải "bò ra" phân loại tốt (5.100 đồng/kg), loại xấu (4.600 đồng/kg), nên rất mệt mỏi. Một người cả ngày phân loại được 50kg, chưa biết Công ty có chấp nhận hay không.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nông dân chỉ bán cho Công ty đúng số lượng hợp đồng, còn lại bán tất cho tư thương. Chính lý do trên, dẫn đến nhiều nông dân đã "xé rào" luôn, bán hết cho tư thương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Doan, Phó Giám đốc Công ty Bồng Đồng Nai, cho biết: "Vụ bông năm nay, Công ty đã ký hợp đồng 100% hộ dân trồng bông thuộc huyện Xuân Lộc với diện tích 642ha. Công ty cũng đầu tư ứng trước gần 1 tỷ đồng chi phí cho vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết mua bán trước sản phẩm với nông dân... Tuy nhiên, trong quá trình thu mua vẫn nảy sinh hiện tượng nhiều hộ dân vi phạm hợp đồng. Công ty không thu đủ nợ đã đầu tư, do các nông dân đã bán bông để chạy nợ".
Ai đứng sau các tư thương?
Việc lý giải của nông dân theo kiểu của ông Thân vẫn không thể chấp nhận, một khi bất chấp luật pháp, bất chấp những gì đã cam kết để tuồn bông cho tư thương, gây khó khăn cho Công ty đã đầu tư vốn. Vậy ai đứng đằng sau các tư thương?
Tại nhiều công văn gửi chính quyền tỉnh Đồng Nai, Công ty Bông Đồng Nai đã tố cáo: Chính Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng Bà Rịa - Vũng Tàu đã đứng sau tư thương, tổ chức tranh mua bông với Công ty Bồng Đồng Nai ngay trên địa bàn mà Công ty Bồng Đồng Nai đã đầu tư vốn cho nông dân trồng bông. Công ty này đã thu mua nhập kho 350 tấn từ nguồn bông của Công ty Bông Đồng Nai và Chi nhánh Công ty Bông Việt nam ở Đồng Nai.
Ông Nguyễn Ngọc Doan cho biết: "Hiện công ty chúng tôi còn tồn đọng nợ trong nông dân khoảng 2 tỷ đồng, nhờ cơ quan luật pháp mới đòi được 150 triệu đồng, trong khi phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Thời gian qua, công ty đã đưa 200 vụ tranh chấp với nông dân ra toà, nhưng giá trị thu hồi chỉ được 10%, vừa đủ chi phí hầu toà".
Trên thực tế, những năm qua, Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thường xuyên thực hiện tranh mua bông trên địa bàn do Công ty Bông Đồng Nai và Công ty Bông Việt Nam đầu tư. Nhiều lần, hai công ty đã làm việc với Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng công ty này viện dẫn "cơ chế thị trường", ai năng động thì được thể hiện mình cho việc tranh mua của mình. Song điều tệ hại là Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tranh mua khi giá bông xơ lên cao.
Với Quyết định 80 ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thu nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, thì việc tranh mua trên của Công ty Dịch vụ kỹ thuật cây trồng Bà Rịa - Vũng Tàu là vi phạm Điều 4 của Quyết định này.
Ngày 13/1/2003 vừa qua, Công ty Bông Việt Nam (Tổng công ty Dệt - May Việt Nam) đã có công văn số 22/CTB gửi Bộ NN&PTNT, kiến nghị sớm có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
(Theo Lao Động) |