|
''Không loại trừ kẻ buôn lậu móc nối cán bộ hải quan để buôn lậu, gian lận thương mại. |
Nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành một quy chế quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng xăng dầu tạm nhập - tái xuất.
Gần đây, trong số những vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, thì một hình thức mới đang bị một số đối tượng xấu triệt để lợi dụng là sử dụng hình thức kinh doanh tạm nhập xăng dầu nhưng không tái xuất mà tìm cách thẩm lậu, tiêu thụ nội địa nhằm trốn thuế.
Theo nhiều chuyên gia, với quy định hiện hành, các DN làm thủ tục tái xuất ở cửa khẩu tạm nhập, sau đó hải quan làm niêm phong kẹp chì cho phương tiên đi đến cửa khẩu cuối cùng để xác nhận thực xuất vào tờ khai. Như vậy, hàng hoá trong khu vực nội địa sẽ không hề bị giám sát, quản lý và với thực trạng phương tiện chuyên chở như hiện nay, khó ai đảm bảo xăng dầu không rút hoặc thay thế bằng mặt hàng khác. Hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ điều này cũng không hề đơn giản.
Ông Trương Chí Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đánh giá, buôn lậu dưới hình thức tinh vi này không loại trừ khả năng có sự móc nối chặt chẽ với một số cán bộ hải quan có trách nhiệm quản lý, kiểm soát. Mặc dù quy định về lĩnh vực này hiện khá chặt chẽ nhưng vẫn cần phải rà soát lại. Ngoài ra, cần tăng cường cơ chế quản lý hải quan để tránh khai báo gian dối bằng cách kiểm tra thực tế tại cửa khẩu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là phương tiên cũng như mặt bằng để tiến hành kiểm tra khó bảo đảm được tính xác thực.
Ngành hải quan đề nghị bãi bỏ bãi bỏ việc tạm nhập tái xuất xăng dầu cho tàu biển Việt Nam vì khó quản lý, khó xác định định mức cũng như độ dài tuyến đi - đến để xác định hàng đã thực sự tái xuất. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng chuẩn bị ban hành quy định hải quan mới đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất thay thế các quy định trước đây không còn phù hợp với Luật Hải quan. Đồng thời, Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan địa phương tiến hành khoanh vùng các tuyến đường, cửa khẩu có nhiều khả năng gian lận, buôn lậu mặt hàng này để ngăn chặn, kiểm soát và xử lý nghiêm.
(Theo Đầu Tư) |