(VietNamNet) - Năm 2002 không phải là năm có nhiều thuận lợi, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là ''được mùa''. So với tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nhiều nước trong khu vực, tốc độ của Việt Nam khá cao, chỉ đứng sau Trung Quốc.
|
Thi công công trình dầu khí |
Theo số liệu của Bộ Kinh tế - Tài chính - Công nghiệp Pháp (MINEFI), GDP của hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á năm 2002 đều tăng rất khá. Chỉ trừ Việt Nam (tốc độ tăng GDP giảm từ 6,8% năm 2001 xuống còn 6,7%), GDP của Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc... đều tăng tốc. Đáng kể nhất là tốc độ của Singapore (năm 2001 giảm 2%, năm 2002 tăng 2,5%), Malaysia (năm 2001 chỉ khoảng 0,4%, năm 2002 tăng 4,1%)... Tuy nhiên, với đà tăng trưởng từ nhiều năm trước, Việt Nam và Trung Quốc (8%) vẫn đứng hàng đầu về tốc độ tăng GDP.
Tuy GDP tăng trưởng khá trong nhiều năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn. Ngay cả khi so sánh với một quốc gia được coi là nghèo của Đông Nam Á như Philippines, GDP/đầu người của Việt Nam cũng chưa bằng 1/2 (420 USD/người/năm so với 900 USD/người/năm). Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, vậy mà chỉ tiêu này cũng gấp gần 2,4 lần Việt Nam (1000 USD/người/năm). Dân Singapore vẫn giàu nhất khu vực: khoảng 21.000 USD/người/năm, trong khi chỉ tiêu này của Hàn Quốc, dù tăng vọt so với năm 2001, cũng chỉ đạt hơn 9.600 USD/người/năm.
Nợ nước ngoài ít - vừa mừng vừa lo
Nợ nước ngoài ngắn hạn của Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá thấp trong GDP so với các nước láng giềng. Điều này cho thấy Việt Nam đã phát huy khá tốt nội lực để phát triển, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt khác, con số trên cũng gợi lên mối lo ngại về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư đang trở nên kém cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Nếu như tỷ lệ nợ ngắn hạn trong GDP của Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan... đều xấp xỉ 10%, thì chỉ số của Việt Nam chỉ khoảng 3%, Trung Quốc 1,6%, Singapore chưa đầy 5%...
|
Tỷ lệ nợ nước ngoài trong GDP (%) |
Tỷ lệ nợ nước ngoài dài hạn so với GDP của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực. Như vậy, gánh nặng trả nợ của những thế hệ sau có vẻ ''nhẹ'' hơn, nhưng điều này cũng chứng tỏ Việt Nam ít tận dụng được những khoản vay ưu đãi của nước ngoài hơn (nhìn chung, nợ dài hạn thường đi kèm với lãi suất thấp và những chương trình hỗ trợ kỹ thuật khá tích cực của chuyên gia nước ngoài).
Kết quả thu hút FDI còn khiêm tốn
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của hầu hết các nước Đông Nam Á năm 2002 đều rất u ám. Chỉ trừ Malaysia nhận được nhiều vốn FDI hơn năm 2001, FDI vào các quốc gia khác đều giảm sút, kể cả Singapore (từ 8 tỷ USD giảm xuống còn hơn 6 tỷ). Vậy mà ''người khổng lồ'' Trung Quốc vẫn đẩy được con số này từ 42 tỷ USD năm 2001 lên khoảng 52 tỷ USD năm 2002, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về thu hút FDI.
FDI vào Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức khiêm tốn (xấp xỉ 2 tỷ USD), không những thế, xu hướng giảm sút còn rõ rệt hơn các nước khác. Chính Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cũng đã nhận định, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam chưa bằng các nước. Một trong những nguyên nhân mà Bộ trưởng nhấn mạnh là tính minh bạch và nhất quán của chính sách đầu tư của Việt Nam chưa đủ để các nhà đầu tư có thể hoàn toàn an tâm.
Tỷ lệ thất nghiệp khá cao - một bất lợi không nhỏ
Nước có số người thiếu việc làm lớn nhất chính là Trung Quốc (gần 12%). Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh quá trình cải cách, công nghiệp hóa nền kinh tế, đường biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc ngày càng dốc lên cao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đau đầu vì vấn đề này.
Quốc gia đứng thứ hai về tỷ lệ trên là Philippines với hơn 11%, tiếp theo là Việt Nam và Indonesia. Tuy đã giải quyết được hơn 1,4 triệu việc làm trong năm 2002, nhưng số người thất nghiệp ở Việt Nam vẫn chiếm khoảng 6,01%. Đó thực sự là gánh nặng đối với cả xã hội, chưa kể số người thất nghiệp trá hình, thất nghiệp theo ''thời vụ''... Hơn nữa, trong số dân thất nghiệp có một tỷ lệ không nhỏ những người đã được đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, thất nghiệp đồng nghĩa với sự lãng phí tài nguyên chất xám vô giá.
Trong khi đó, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc chỉ phải nuôi khoảng 2-4% số người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Số người thất nghiệp ở Hàn Quốc và Thái Lan lại có xu hướng giảm đi, khiến mức sống của dân cư các quốc gia này được cải thiện ngày một nhanh hơn.
|