Sắp nâng tỷ lệ huy động VND tại các NH nước ngoài lên gấp đôi
11:10' 22/01/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ nâng tỷ lệ huy động VND tại các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh từ 25% vốn điều lệ lên 50%. ''Chúng tôi đã trình chính phủ vấn đề này. Khoảng cuối quý I, có thể Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ban hành quyết định này''. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cho VietNamNet biết.
Thị trường ngoại tệ năm 2002 cũng được duy trì ổn định nhờ chính sách nới rộng biên độ giao dịch giữa VND và USD.

Ông Tuấn cũng thông báo thêm, năm 2003, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được tiếp tục tăng vốn để có thể đảm nhiệm vai trò to lớn hơn trong nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng cổ phần sẽ được hưởng các điều kiện thuận lợi hơn để tăng vốn điều lệ. Ngân hàng nào không đáp ứng đủ số vốn điều lệ quy định sẽ buộc phải giải thể hoặc sáp nhập với ngân hàng khác.

Thu hoạch rộ

Trong năm 2002 đánh dấu mốc các NHTM đã giải quyết một phần đáng kể nợ tồn đọng, nhiều NHTM đã tăng vốn điều lệ mở rộng mạng lưới hoạt động và từng bước hiện đại hóa công nghệ. 

Đối với các NHTM Nhà nước, Chính phủ đã tăng vốn điều lệ bước đầu cho họ. Còn đối với các NHTM cổ phần, trong năm 2002 đã tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, kiểm soát.

Các NHTM cổ phần vốn tuy nhỏ hơn nhưng có mức tăng trưởng rất cao. Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, cho biết: ''Năm 2002, Đông Á mở rộng thêm nhiều dịch vụ tiện ích để phục vụ khách hàng, nhờ đó nên việc kinh doanh phát triển mạnh. Dư nợ cho vay bình quân đạt 1.712 tỷ đồng, tăng 44%. Dịch vụ kiều hối thực hiện 408 triệu USD, tăng 51%. Sau khi trích 18,5 tỷ đồng dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của Đông Á còn đạt 81,5 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước''.  

Ở trong nước, việc giá bất động sản đầu năm 2002 tăng mạnh cùng với việc giá thực phẩm năm 2002 tăng khá và nhu cầu tín dụng năm 2002 tăng cao là những nguyên nhân quan trọng đã tác động làm cho lạm phát năm 2002 tăng cao hơn so với một số năm trước. Dự kiến năm 2003, SBV sẽ cho biết, họ sẽ kiểm soát lạm phát ở mức không quá 5%.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% nằm trong tầm kiểm soát. Lãi suất và tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với thị trường đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu những tháng cuối năm, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tỷ gía năm 2002 biến động không nhiều. Tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng tính đến ngày 31/12/2002 tăng 1,97% so với cuối năm 2001. T ỷ giá giao dịch của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng tăng 2, 1 3 % so với cuối năm 2001.

 Nhìn chung, lãi suất trên thị trường năm 2002 tương đối ổn định. Chênh lệch giữa lãi suất USD và lãi suất VNĐ hiện nay khá rộng (khoảng 5%), hạn chế được sự dịch chuyển từ VNĐ sang USD. Từ tháng 6, trong điều kiện lãi suất quốc tế xuống thấp, NHNN đã áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng bằng VNĐ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Các hoạt động trên thị trường mở, một công cụ của ngân hàng nhà nước nhằm quản lý tài sản hiện có của nền kinh tế, cũng phát triển mạnh mẽ trong năm vừa qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Ông Trần Minh Tuấn cho biết, thông qua thị trường mở, trong năm 2002 Ngân hàng Nhà nước đã mua 7,2 nghìn tỷ VND từ các ngân hàng thương mại và bán 1,7 nghìn tỷ VND cho các ngân hàng, cả hoạt động mua vào và bán ra đều đạt tăng trưởng trên 100%. Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng số phiên giao dịch hàng tuần.

Các công cụ chính sách tiền tệ như thị trường mở, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, hoán đổi ngoại tệ đã được điều hành phối kết hợp tương đối đồng bộ, linh hoạt để đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ. Trong năm 2002, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu của NHNN, cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND được giữ nguyên ở mức thấp, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đã được điều chỉnh giảm 2 lần xuống 8% vào tháng 4/02 và xuống 5% vào tháng 12/2002. Trong những tháng đầu năm 2002, các giải pháp hỗ trợ vốn khả cung của SBV thông qua thị trường mở, hoán đổi ngoại tệ, tái cấp vốn chiết khấu... đã có tác dụng giải quyết tình trạng căng thẳng vốn khả dụng cho các NH.

Năm 2002, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sự phục hồi chậm của kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác, sự bất ổn của chính trị do tác động của khủng bố, nguy cơ chiến tranh ở Iraq... sự cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục gây bất lợi cho xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Trên thị trường tài chính thế giới, lãi suất đồng USD giảm mạnh cũng tác động đến huy động tiền gửi ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Việc thực hiện giảm tỷ lệ kết hối từ 40% xuống 30% cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng thông thoáng nhất là đối với chính sách kiều hối đã góp phần ổn định thị trường ngoại hối, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng, khuyến khích xuất khẩu, và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. 

Trong năm 2002, với việc đưa vào vận hành thành công hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, SBV đã rút ngắn đáng kể thời gian thanh toán, thúc đẩy nhanh sự luân chuyển vốn. Ngoài ra, việc vận hành hệ thống thanh toán điện tử nhanh, tập trung qua NHNN đã tạo cơ sở ban đầu để NHNN đưa vào sử dụng lãi suất qua đêm như một công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường tiền tệ.

Chính sách tự do hoá giúp ngân hàng Việt Nam tăng trưởng

Tại Hội nghị tổng kết của ngành ngân hàng năm 2002 mới đây tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Tuấn nhận xét, ''chính sách tự do hoá đã giúp ngành ngân hàng phát triển theo chiều hướng tốt, thị trường tiền tệ ổn định và các khoản nợ xấu đã giảm mạnh. Việc áp dụng lãi suất thoả thuận đảm bảo các hoạt động cho vay và vay ổn định. Đồng thời, chênh lệch khá cao giữa lãi suất VND và USD (khoảng 5 điểm phần trăm) góp phần kiềm chế tình trạng đôla hoá''.

Thị trường ngoại tệ năm 2002 cũng được duy trì ổn định nhờ chính sách nới rộng biên độ giao dịch giữa VND và USD. Ông nói: ''Mở rộng biên độ giúp ngân hàng nhà nước có được công cụ quản lý linh hoạt nhằm duy trì tỷ giá gần với diễn biến của thị trường''. Ông cho rằng cơ chế tỷ giá góp phần quan trọng trong việc khuyến khích xuất khẩu.

Một thành công lớn nữa của ngành ngân hàng là số nợ xấu giảm được 43% trong năm 2002. Phó thống đốc nhấn mạnh năm tới ngành ngân hàng phấn đấu giải quyết nhiều hơn nữa tỷ lệ nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chỉ thị cho các ngân hàng thương mại đánh giá lại các khoản nợ xấu của các công ty mía đường để lập báo cáo cuối cùng nộp Thủ tướng vào cuối tháng này. Đây là một phần trong hướng xử lý các khoản nợ tồn đọng của ngành ngân hàng.
 

''Một năm thành công của ngành ngân hàng'', nhiều nhận định như vậy. Tuy nhiên, Thống đốc Lê Đức Thuý cũng thừa nhận, '' khả năng huy động vốn trung, dài hạn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư tín dụng trung dài hạn của nền kinh tế; thị trường tiền tệ còn kém phát triển; năng lực quản lý tài sản - nguồn vốn của nhiều ngân hàng thương mải còn những hạn chế; năng lực thanh tra, giám sát còn hạn chế; vốn điều lệ của các ngân hàng vẫn thấp so với nước khác; nợ tồn đọng của nhiều ngân hàng còn cao...''

 

  • Hồng Phúc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ hoạt động năm 2005? (21/01/2003)
Sẽ thắt chặt quản lý xăng dầu tạm nhập tái xuất (21/01/2003)
Công ty Bông Đồng Nai "dở khóc dở mếu" (21/01/2003)
Cuộc chạy đua mẫu mã Thời trang Tết (21/01/2003)
Thành lập Hội đồng Khuyến khích phát triển DN nhỏ và vừa (21/01/2003)
Chính phủ ra Nghị quyết chỉ đạo nhiệm vụ năm 2003 (21/01/2003)
Phương án hợp nhất, giải thể, mua, bán tổ chức tín dụng... được coi là tối mật (21/01/2003)
"Buôn tiền" vào mùa (21/01/2003)
Cát trắng sang Nhật (21/01/2003)
Cả nhà tài trợ lẫn CLB đều dọa kiện Ban tổ chức (21/01/2003)
Giá tối thiểu tính thuế nhập khẩu với ôtô tăng vọt (21/01/2003)
Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội 2003 sẽ lớn chưa từng có (21/01/2003)
Lần đầu tiên cam Việt Nam có thương hiệu (21/01/2003)
Kiểm tra 100% mặt hàng xuất nhập khẩu nhạy cảm (20/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang