|
Giải quyết hàng tồn đọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển. |
(VietNamNet) - Các loại hàng hoá đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam sẽ bị xử lý theo hướng thiêu huỷ, bán theo giá chỉ định đối với lô hàng có giá trị dưới 10 triệu đồng và tổ chức bán đấu giá đối với lô hàng có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên (trừ hàng hoá là lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm dễ hư hỏng).
Đây là nội dung chính Thông tư số 05/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 13/1/2003.
Hàng hóa tồn đọng tại cảng biển Việt Nam bao gồm: hàng quá thời hạn lưu kho lưu bãi không có người nhận; hàng thừa so với vận đơn; hàng hóa ngoài lược khai; hàng tạm gửi nhưng không có người nhận; hàng xuất khẩu bị trả về, không có người nhận; hàng hóa do các đại lý giải phóng container, gửi kho bãi cảng nhưng không có người nhận; hàng hóa do người vận chuyển đường biển lưu giữ tại Việt Nam bỏ lại cảng biển và người vận chuyển có văn bản từ bỏ quyền lưu giữ.
Các loại hàng hóa trên được coi là tồn đọng tại cảng biển sau khi đã được Cảng biển thông báo cho chủ hàng hoặc đại lý đến nhận ít nhất 3 lần trong thời hạn 60 ngày nhưng không có người đến nhận hoặc là 1 lần trong thời hạn 5 ngày nhưng không có người đến nhận đối với hàng hóa đông lạnh, thực phẩm mau hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Theo Luật Hải quan, các loại hàng hoá tồn đọng tại cảng biển là tài sản Nhà nước, do cơ quan hải quan quản lý. Việc xử lý các hàng hoá này góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa tạo điều kiện giải phóng các kho chứa, phương tiện, nâng cao hoạt động của cảng biển.
|