|
Phân trâu, bò thường được bán cho những người trồng tiêu. |
Ngoài nguồn lợi từ nuôi trâu để cày, để bán, người dân ấp Hiệp Phước (huyện Châu Thành, Tây Ninh) còn thu lợi từ việc kinh doanh phân trâu, gọi nôm na là ''nguồn lợi ngoài dự án nuôi trâu, thả bò''.
Ấp Hiệp Phước có 101 hộ dân, nhà nào cũng nuôi 15-20 con trâu, bò theo dự án xoá đói giảm nghèo. Gia đình anh Un Khinh (thương binh hạng 2/4), gia đình bà Mơn hay gia đình trưởng ấp H.Tảo nuôi đến 14-20 con/hộ. Theo thời giá hiện nay, một con trâu đực được bán với giá trên 10 triệu đồng, bò cái tơ thì 12 triệu. Bên cạnh đó, người dân còn bán được phân trâu, bò cho những hộ trồng tiêu ở tận Phước Long, Bình Long (tỉnh Bình Phước), những người trồng mãng cầu ở núi Bà Đen (Tây Ninh).
Công việc thu gom phân trâu, bò không có thời vụ mà kéo dài quanh năm. Sáng nào, các ông, bà chủ cũng đi theo đàn trâu, bò của mình, dùng bao tay nylon nhặt phân của chúng dồn thành đống. Sau đó, họ vê lại thành từng viên nhỏ như quả ổi non, phơi trên nền đất cứng. Qua vài nắng, phân nỏ, người dân thu được thành phẩm có giá, xếp vào những bao mang nhãn hiệu Vĩnh Phát. Cứ 4 chú trâu, bò cho một bao phân/ngày. Một bao phân khô bán tại chỗ có giá 6.000 đồng. Nhà nào nuôi 20 con có thể thu 30.000 đồng/ngày, đây là một nguồn thu không nhỏ đối với người vùng sâu, vùng xa.
Thương lái phân trâu, phân bò khô có tiếng nhất là vợ chồng anh Đô Ha Lim, Xíp Thanh ở tận Xuân Lộc, Đồng Nai. Anh kể: ''Vợ chồng tôi thường đánh vài chiếc xe tải lên đây mua phân trâu, phân bò khô về bán cho dân trồng tiêu, trồng mãng cầu dưới xuôi. Một phần lãi thu được cũng đủ để tậu thêm mảnh đất, dựng một ngôi nhà khang trang tại Hiệp Phước này để bốn đứa con tôi vừa đi học, vừa có thể thu mua phân bò từ các hộ chăn nuôi''. Một xe tải phân mà cặp vợ chồng này đem về xuôi, trừ mọi chi phí cũng lời 700.000 đồng.
(Theo NTNN) |