TTCK Việt Nam: Trông người lại nghĩ đến ta
16:26' 23/01/2003 (GMT+7)

Sàn giao dịch không còn sôi nổi như những ngày đầu mở cửa thị trường.

(VietNamNet) - Ở nhiều nước khác, TTCK được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế, nơi phản hồi tác động của các sự kiện kinh tế, chính trị... Nhưng ở ta, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhiều người chỉ biết đến TTCK như một cái ''chợ'' nho nhỏ mua đi bán lại một số cổ phiếu.

Đầu cơ chi phối thị trường

Mỗi biến động của giá cổ phiếu, của VNIndex cũng in dấu ấn, cảm xúc tâm lý thay đổi của nhà đầu tư. Diễn biến của thị trường có biến động thật, nhưng điều này cũng chỉ do tâm lý của chính nhà đầu tư và yếu tố đầu cơ. Giá cổ phiếu ban đầu niêm yết chỉ có gần 20.000 đồng, nếu không có sự ''phù phép'' thì làm sao nó có thể lên tới hơn 100.000 đồng trong khi hoạt động của các công ty niêm yết hoạt động bình thường và không thể đánh giá cao các công ty niêm yết đến mức độ gấp 10 lần giá trị của nó. Cho đến khi nhà đầu tư nhận được sự thật thì giá cổ phiếu đã... xuống dốc không phanh, như hiện nay đa số xoay quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2002, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã thực hiện được 235 phiên giao dịch với khối lượng giao dịch 35,088 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt trên 959 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân 1 phiên giảm từ 5 tỷ đồng (tháng 7/2002) xuống 3 tỷ đồng trong tháng 9,10/2002. Tổng giá trị niêm yết trên thị trường tính đến thời điểm này là 5.200 tỷ đồng, trong số đó cổ phiếu là 999 tỷ và trái phiếu là 4.201 tỷ. Tổng giá trị giao dịch khoảng 2.184 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu là 1954 tỷ, trái phiếu là 230 tỷ.

Năm 2002, VNIndex đã xuống ''đáy'' 174,62 điểm ở phiên ngày 7/11/2002. Đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2002 , VNIndex ở mức 183,33 điểm, giảm 387, 71 điểm so với ''đỉnh'' của nó là 171,04 điểm vào phiên ngày 25/6/2001.

Tình đến nay, tổng giá trị giao dịch chứng khoán khoảng 2.184 tỷ đồng, chưa bằng 1% GDP, một con số không khả dĩ lắm so với huy động vốn của một ngân hàng thương mại. VNIndex tiếp tục tạo ''đáy mới'' 170,55 điểm vào ngày 22/1/2003. Giá trị mỗi phiên bình quân từ 1/1/2003 đến nay chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng, giao dịch chứng khoán tẻ nhạt, cầm chừng. 

Hơn 2 năm kể từ khi TTCK Việt Nam đi vào hoạt động, quỹ đầu tư trong nước, một chủ thể quan trọng của thị trường, vẫn chưa thấy xuất hiện. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản tham gia thị trường hơn 13.000 tài khoản, trong đó 90% là nhà đầu tư cá nhân trong nước, còn lại là của nhà đầu tư có tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, hiện chỉ có khoảng chưa tới 20% số tài khoản tham gia vào thị trường. 

Vai trò nhà quản lý?

Thời gian qua, có thể do nhà quản lý ''vừa học vừa hành'' nên không tránh được những thiếu sót, điều hành chưa tốt, bị động, không ''điều trị'' kịp thời được những ''cơn sốt nóng, sốt lạnh'' của thị trường. Nhiều khi nhà quản lý có thể chạy theo ''tiếng gọi'' của nhà đầu tư với mục đích ổn định thị trường nhưng càng làm cho thị trường rối rắm thêm. Kết quả, chỉ những nhà đầu tư nhỏ, lại là đa số, chịu thiệt thòi khi tham gia vào thị trường chứ không phải các ''đại gia'' đầu cơ.

Một điều mà ngay cả những nhà quản lý cũng phải thừa nhận là chúng ta hay muốn trấn an nhà đầu tư, muốn thị trường đi vào quỹ đạo ổn định. Nhưng hình như ''nóng vội'' nên thành ra đề ra nhưng mục tiêu, kế hoạch quá... lạc quan về số công ty sẽ niêm yết, số tài khoản của nhà đầu tư... Thông tin không chuẩn xác và những kế hoạch đề ra để đấy càng làm mất lòng tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường. Kế hoạch nâng số lần khớp lệnh trong phiên lên 2 lần, giảm lô; đưa sàn giao dịch cho các DN vừa và nhỏ tại Hà Nội đều có lộ trình nhưng lộ trình ''cao su'' này có lẽ giãn quá dài.

Các công ty chứng khoán thì ''sát cánh'' bên nhà quản lý hơn là với nhà đầu tư. Thị trường gắn với quá trình hình thành của họ nhưng hình như họ cũng chỉ thấy lợi mà quên đi một mục tiêu là ổn định và phải phát triển thị trường này. Khi thị trường ''bong bóng'', họ có cảnh báo các nhà đầu tư hay thổi '' bong bóng'' đó ngày càng to lên?

Cái nhìn vĩ mô

Nhưng nhìn ở tầm vĩ mô hơn, điều muốn nói đến là chiến lược, cái nhìn của nhà hoạch định chính sách, điều kiện và cơ chế kinh tế đối với TTCK. Ai nhìn vào cũng bảo thị trường chúng ta thiếu các hàng hoá ''chất lượng cao''. Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa chậm như... rùa bò, năm 2002 chỉ đạt 50% so với kế hoạch. Thêm một điều nữa, chúng ta dường như chỉ thấy thị trường thứ cấp, là giao dịch ở TTGDCK, còn thị trường sơ cấp là nơi tạo hàng cho thị trường thứ cấp, lại rất ''mờ nhạt''. Tại sao chúng ta không cổ phần hoá một số DN có tầm cỡ, gắn cổ phấn hóa với niêm yết để tạo nên những hàng hoá hấp dẫn hơn việc mua đi bán lại 20 loại cổ phiếu như hiện nay..

Gần đây, ngồi với một quan chức UBCKNN, ông này tâm sự: ''Chúng tôi có nhiều kế hoạch, có nhiều biện pháp nhưng có phải nói là làm ngay được đâu. Hiện nay Uỷ ban không được ban hành các văn bản pháp luật nên văn bản phải qua nhiều tầng nấc mới đến Chính phủ ban hành. Rồi nhiều vấn đề khác như quản lý ngoại hối trong lĩnh vực chứng khoán, chuyển lợi nhuận kinh doanh chứng khoán ra nước ngoài, phí, lệ phí chứng khoán, cổ phần hoá... còn phụ thuộc vào Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lại kiến nghị, lại chờ chứ có thể làm nhanh được đâu''.

Trong khi đó, đa số các công ty cổ phần vẫn nhìn TTCK với con mắt e ngại. Bời vì để tham gia, các công ty phải kiểm toán, công bố và minh bạch các báo cáo kinh doanh, tài chính; phải chia sẻ ''quyền lực'' cho nhiều cổ đông hơn và luôn bị đánh giá mỗi bước đi trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công ty cũng chịu ảnh hưởng theo sự thăng trầm của giá cổ phiếu trên thị trường. Tham gia TTCK để đại chúng hoá công ty và huy động vốn nhưng nhiều DN còn cảm thấy quá phức tạp nhiêu khê trong khi họ có thể vay vốn ngân hàng nhanh và dễ dàng hơn. Cho nên đối với TTCK còn sơ khai như ở Việt Nam, cần có những ưu đãi khuyến khích, có cơ chế kiểm tra minh bạch về tài chính, đồng thời phải có biện pháp ''bắt buộc'' như đưa cổ phiếu công ty lên sàn ngay khi cổ phần hoá. 

Xu hướng chung và tất yếu, TTCK Việt Nam sẽ phát triển. Nhưng vấn đề phát triển nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý với vai trò tạo ''sân chơi'' và ''luật chơi'' cho thị trường.

Năm 2003, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ:

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 48/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK. Nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang sửa chữa, bổ sung lần cuối để trình Chính phủ ban hành. Trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành chứng khoán đến năm 2010 làm cơ sở cho sự phát triển của thị trường.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN để ổn định bộ máy tổ chức, tạo điều kiện thống nhất quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.

- Tăng nhanh khối lượng hàng hóa trong đó chú ý đến những công ty lớn, ngân hàng cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu trong năm 2003 có thêm khoảng 10-15 công ty niêm yết trên thị trường. 

- Chuẩn bị cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đi vào hoạt động. Khuyến khích lập các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đầu tư và đại diện công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam. Trong năm 2003 sẽ cấp phép thêm từ 2-3 công ty chứng khoán và 1-2 công ty quản lý quỹ.

- Triển khai một số giải pháp về mặt kỹ thuật, tăng lần khớp lệnh, giảm lô giao dịch từ 100 cổ phiếu xuống 10 cổ phiếu để tăng tính thanh khoản cho thị trường.

(Nguồn: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước)

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lấy mức giá thấp nhất trên thị trường làm căn cứ (23/01/2003)
Cải thiện cuộc sống từ nghề thương lái phân trâu (23/01/2003)
Sẽ thảo luận hiệp định dệt may vào ngày 19/2 (23/01/2003)
''Đất đai phải có chủ sử dụng cụ thể'' (23/01/2003)
Năm 2003, HUD bàn giao 251.000m2 sàn nhà ở (23/01/2003)
TP.HCM: Sức mua hàng Tết siêu thị tăng 40% (23/01/2003)
Giá vàng lại đạt ngưỡng 660.000 đồng/chỉ (23/01/2003)
TP.HCM chọn 12 mặt hàng công nghiệp chủ lực (23/01/2003)
Starwood đã đến Việt Nam (23/01/2003)
Hà Nội tăng cường kiểm soát thị trường Tết (23/01/2003)
Hàng trị giá dưới 10 triệu đồng tồn tại cảng biển có thể bị tiêu huỷ (23/01/2003)
Vốn tự có của các NHTM trong nước quá thấp (23/01/2003)
Khám xét các cơ sở của công ty Đông Nam Associates tại Hà Nội (23/01/2003)
Phải xúc tiến thương mại vào thị trường Mỹ như thế nào? (23/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang