(VietNamNet) - Ngân hàng Công thương (ICB) sáng nay (23/1) đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải rằng họ muốn Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm việc bàn giao tài sản vụ án Epco - Minh phụng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi nợ.
|
Lợi nhuận của ICB năm nay đạt gần 180 tỷ. |
Sở dĩ có chuyện trên là do tài sản là bất động sản của vụ án Epco - Minh Phụng tại khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay mới bàn giao cho NH được 39%.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo ICB cũng đề nghị, khi Chính phủ xử lý khoanh nợ, miễn giảm lãi vay ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư theo chỉ định của Chính phủ và các khoản cho vay theo chính sách thì đồng thời cấp nguồn tương ứng cho ngân hàng, vì nguồn vốn cho vay của ngân hàng là nguồn vốn huy động từ dân cư và nền kinh tế.
Một kiến nghị nữa của ngân hàng này là được cấp vốn điều lệ theo tiến độ đề án cơ cấu lại ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt để đến cuối năm 2005, họ có thể đạt hệ số an toàn vốn là 8% theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay hệ số này của ICB mới đạt 3,54%. Đối với những khoản nợ vay ngân hàng của những doanh nghiệp nhà nước trước năm 2000, bị rủi ro trong hoạt động kinh doanh không có khả năng trả nợ, đề nghị Chính phủ có biện pháp giải quyết về vốn để ngân hàng thực hiện đúng tiến trình cơ cấu lại tài chính theo đề án đã được duyệt.
Vẫn là nợ tồn đọng
Đây là thực trạng không của riêng ICB. Trong báo cáo cuối năm của hầu hết các ngân hàng thương mại đều có đoạn: ''Tiến độ xử lý tài sản, nợ tồn đọng còn chậm. Kết quả xử lý nợ và tài sản tồn đọng chưa cao''. Trong 2 năm 2001 và 2002, ICB đã xử lý và thu hồi, kể cả xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro, được 2.234 tỷ đồng. Con số trên mới đạt 99% kế hoạch.
Giải thích về tình trạng này, lãnh đạo ngân hàng ICB cho biết, trong quá trình xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, các khoản nợ nhóm II theo QĐ149 của Chính phủ đã được liên bộ kiểm tra và trình, nhưng đến nay chưa được cấp nguồn để xử lý. Thứ hai, quá trình xử lý nợ cũng gặp không ít khó khăn. Tài sản thế chấp, bảo lãnh của nợ tồn đọng cần xử lý kê biên phát mại song người thế chấp, người bảo lãnh chây ì không chịu giao tài sản cho ngân hàng. Ngân hàng đã yêu cầu sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan song chưa nhận được sự phối hợp kịp thời nên việc kê biên phát mại gặp rất nhiều khó khăn. Nợ tồn đọng không có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp còn đang tồn tại hoạt động hoặc đang hoạt động dưới hình thức khác như sáp nhập, liên doanh song vẫn chây ì không trả nợ ngân hàng, chưa có biện pháp nào cương quyết bắt buộc nên ngân hàng rất khó chủ động thu hồi nợ hoặc có thu được thì tiến độ rất chậm. Thứ ba, nhiều tài sản thế chấp khi tổ chức bán đấu giá mới xảy ra tranh chấp hoặc nằm trong quy hoạch hoặc bị lấn chiếm... nên rất khó bán. Tài sản thế chấp, tài sản xiết nợ chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nên còn chờ đợi các ban ngành liên quan giúp đỡ như UBND các cấp, Sở Địa chính... Thứ tư, trong công tác tín dụng, nợ quá hạn đối với các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ vẫn tiếp tục phát sinh do khách hàng lừa đảo, bỏ trốn.
Lợi nhuận đạt gần 180 tỷ
ICB năm 2002 thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu: Tổng vốn huy động tăng 26-28%. Tổng dư nợ nền kinh tế tăng 24-26%. Nợ quá hạn dưới 5%. Tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn tối đa 40% tổng dư nợ. Lợi nhuận 178 tỷ đồng và trích dự phòng rủi ro 800 tỷ đồng. Huy động vốn (bao gồm cả ngoại tệ quy VND) đạt 71,477 tỷ đồng, tăng 12.505 tỷ.
Ngoài ra, cho vay và đầu tư của ICB đạt 72.304 tỷ đồng, tăng 14.413 tỷ. Cho vay nền kinh tế đạt 54.542 tỷ đồng, tăng 12.345 tỷ, tốc độ tăng 29,2% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 21% dư nợ của toàn ngành. Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn 4.630 tỷ đồng.
Doanh số mua kinh doanh ngoại tệ của ICB đạt 1.507 triệu USD, tăng 6%. Doanh số bán đạt hơn 1,6 triệu USD. Ngoài ra, ICB cũng bán cho Ngân hàng Nhà nước 120 triệu USD để tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Hoạt động của các đơn vị liên doanh và công ty trực thuộc ICB đạt 12,5 tỷ đồng trong năm 2002, mức cao nhất từ trước đến nay.
|