|
Giá vàng SJC ở Hà Nội sáng ngày 24/1 đã tăng lên mức 672.000 đồng/chỉ. |
(VietNamNet ) - Trao đổi với phóng viên VietNamNet sáng nay (24/1), ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng bạc Đá quý Việt Nam nhận định, nguy cơ cuộc chiến Iraq đang đến gần cộng với diễn biến phức tạp khác, giá vàng thời gian tới ''chỉ có tăng chứ không có giảm''. Nếu Mỹ tấn công Iraq, dự đoán giá vàng thế giới có thể tăng đến mức 380 USD/ounce và giá vàng trong nước tăng qua mức 700.000 đồng/chỉ.
Nguy cơ chiến tranh đưa vàng ''lên ngôi''
Giá vàng đã từng sốt lên cách đầy chưa đầy một tháng chưa kịp dịu đi thì nay đang tái sốt khi cuộc chiến chống Iraq có dấu hiệu đến gần trong nay mai. Các phương tiện thông tin đại chúng đã không ngừng đăng tải thông tin các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh rầm rộ tới vùng Vịnh như tăng quân, vận chuyển trang thiết bị, đạn dược, chuẩn bị y tế... trong khi sắp hết thời hạn làm nhiệm vụ của đoàn thanh sát vũ khí của Liên hợp quốc tại Iraq. (Ngày 27/1 tới, sẽ có báo cáo của đoàn thanh sát trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và ngày 29/1, Liên hợp quốc sẽ có đánh giá về báo cáo này). Cũng có nguồn tin cho rằng, Mỹ đã an bài kế hoạch tấn công Iraq vào giữa tháng 2 tới.
Sáng nay (24/1), giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Hà Nội mua vào 661.000 đồng/chỉ, bán ra 672.000 đồng chỉ, tăng khoảng 5.000 đồng/chỉ so với ngày 23/1. Vàng 9999 của cửa hàng Bảo Tín Minh Châu cũng tăng khoảng 5.000 đồng/chỉ, mua vào, bán ra tương ứng 656.000/671.000 đồng/chỉ. Cuối giờ chiều hôm qua, giá vàng ở TP.HCM mua vào, bán ra tương ứng 661.000/668.000 đồng/chỉ, tăng 8.000 đồng so với ngày 22/1.
Giá vàng cuối ngày 23/1 tại thị trường Mỹ ở mức 364,8 USD/ounce, tăng 4,9 USD so với ngày trước đó và đã lên tới mức 376,7 USD/ounce trong ngày. Giá vàng tại thị trường châu Á lên tới mức cao nhất trong vòng 6 năm qua (364,5 USD/ounce); tại London (Anh) ở mức 364,7 USD/ounce. |
Bầu không khí chiến tranh khiến người ta phải nghĩ đến an toàn: cho cả sinh mạng và đồng tiền. Một số nước đã có động thái di tản nhân viên của mình ra khỏi Iraq. Để an toàn về kinh tế, trong điều kiện đồng USD mất giá, gần 2/3 ngân hàng trung ương của các nước đã xúc tiến bán USD, mua vàng để dự trữ thay vì bán vàng mua USD để dự trữ như trước đây. Các nhà đầu tư cũng tìm chỗ ''ẩn náu'' cho tài sản của mình vào vàng, đổ xô mua vàng nên vàng càng có giá.
Cùng với nguy cơ chiến tranh, vàng trở nên có giá do sự sa sút của nền kinh tế toàn cầu, điển hình như những trụ cột là Mỹ, Nhật Bản, Đức... Nước Mỹ, đầu tàu của nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng âm, ''gượng gạo'' sau sự kiện 11/9: Hàng hoạt các vụ bê bối tài chính, phá sản ở một vài công ty hàng đầu như Enron, WorldCom, kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của nhiều công ty. Thời gian vừa qua, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải 12 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất, đẩy lãi suất USD thấp nhất trong vòng 44 năm qua, khiến USD trở nên mất giá so với các đồng tiền khác. Ngày 23/1, giá 1 USD bằng 0,93 Euro, (giảm so với 0,94 Euro của ngày 21/1); đồng yên Nhật cũng tăng giá so với USD và hiện ở mức 118 yên/USD. Còn trên thị trường chứng khoán đầy rẫy những rủi ro và biến động, do bất ổn của các nền kinh tế lớn và sa sút của nhiều DN, bắt buộc nhà đầu tư phải nghĩ đến vàng. Như vậy, vàng tạm thời ''lên ngôi'', trở lại đỉnh vinh quang nguyên thuỷ của nó.
Giá trong phụ thuộc giá ngoài
Trong bối cảnh hội nhập và gắn kết nhau giữa các thị trường nên giá vàng trong nước cũng không năm ngoài ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Theo ông Nguyễn Duy Hùng, vàng trong nước càng phụ thuộc vào vàng thế giới khi chúng ta phải nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản phẩm vàng, do nguồn cung không đầy đủ và chất lượng thấp. Hiện nay, ngoài nhập khẩu qua đường chính ngạch thì lượng vàng qua đường tiểu ngạch (hoặc ngoài luồng) cũng rất lớn nên giá vàng trong nước rất nhạy cảm với giá thế giới.
Ngoài ảnh hưởng của giá thế giới, theo ông Nguyễn Duy Hùng, giá vàng trong nước tăng còn do một số nguyên nhân khác như lương tối thiểu tăng (lên 290.000 đồng từ ngày 1/1/2003); cuối năm, nhu cầu mua vàng làm đồ trang sức, thanh toán bất động sản, thanh toán hàng nhập khẩu tăng. Ông Hùng nói: ''Do tăng lương tối thiểu và nhu cầu tăng vào cuối năm nên giá cả nhiều hàng hoá tiêu dùng có xu hướng nhích lên chứ không phải chỉ mình vàng''. Tuy nhiên, nhu cầu vàng tăng nhưng do giá vàng tăng cao nên hoạt động mua bán vàng ở các điểm giao dịch chỉ cầm chừng. Anh Trịnh Văn Hoàn, Trưởng phòng Kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu cho phóng viên VietNamNet biết: ''Mọi người đến đây chủ yếu để nghe ngóng giá vàng chứ mua bán thực tế diễn ra rất ít. Hơn nữa, lượng mua bán đến thời điểm hiện nay kém hẳn so với năm trước''.
Ảnh hưởng của giá vàng tăng
Ông Nguyễn Duy Hùng nhận định, giá vàng tăng chỉ ảnh hưởng hạn chế đến một số lĩnh vực kinh tế trong nước do việc tăng giá này không xuất phát chủ yếu từ nhu cầu trong nước và mối liên hệ giữa kinh tế Việt Nam với bên ngoài vẫn có tính độc lập tương đối. Hơn nữa, tiền đồng nay rất ổn định, không mất giá với tỷ lệ phi mã như trước do vậy nhu cầu quy đổi mọi thứ sang vàng và mua vàng để bảo toàn vốn không còn nữa. Một số lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi giá vàng tăng như thanh toán giao dịch nhà đất, hàng nhập khẩu, nhu cầu mua vàng làm đồ trang sức vào cuối năm...
Theo Trung tâm Giao dịch Địa ốc Hà Nội, giao dịch nhà đất về cuối năm không có gì sôi động do giá nhà đất quá cao, nhiều căn hộ chung cư rao bán cả mấy tháng cũng không có ai hỏi mua. Mua bán nhà đất chủ yếu thanh toán bằng vàng thì khi giá vàng tăng, người mua càng khó chấp nhận. ''Tôi đã chọn mua một ngôi nhà khoảng 100 lượng vàng để dọn đến ở trước Tết. Đến nay, khi tưởng gom đủ tiền, quy đổi ra vàng để trả cho người ta thì không đủ'', một người đi mua nhà bên ngoài Trung tâm Giao dịch Địa ốc Hà Nội nói với phóng viên VietNamNet. Tình trạng này cũng tương tự như đối với người nhập khẩu thanh toán bằng vàng mà không có vàng dự trữ.
Đối với thị trường ngoại hối, một số ngân hàng cho biết đã tăng lãi suất huy động vàng nhưng hầu như chẳng ai đến gửi vàng. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank đã tăng lãi suất tiết kiệm vàng lên gấp đôi ở các kỳ hạn ngắn: kỳ hạn 1 và 2 tháng đều 3,2%/năm (tăng 1,2-1,6%); kỳ hạn 3 tháng: 3,4% (tăng 1%)... Ngân hàng Cổ phần Á Châu cũng tăng lãi suất huy động vàng cao nhất là 3,9%/năm, kỳ hạn 36 tháng. Thật dễ hiểu vì trong điều kiện hiện nay, ngồi ''ôm'' vàng, chờ giá lên bán ra cũng được lãi gấp mấy chục lần gửi vào ngân hàng. Ngay cả ngân hàng cũng ngại ngần đầu tư vào vàng vì rất mạo hiểm, giá cả vàng dễ biến động. Vàng tăng, USD giảm giá, theo các chuyên gia, hiện tại tiền đồng là phương tiện thanh toán, dữ trữ tốt nhất.
Liệu giá vàng tăng có ảnh hướng đến các DN kinh doang vàng bạc hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hùng cho biết, do đã có kinh nghiệm phòng tránh rủi ro biến động giá vàng nên nhiều DN đều tiến hành ''song song'' giữa mua vào và bán ra. '' Nói chung DN nào trữ vàng, khi giá vàng tăng thì có lợi nhưng không phải khi nào cũng vậy'', ông Hùng nói.
''Giá vàng chỉ có tăng chứ không giảm''
Diễn biến tình hình chính trị trên thế giới đang càng có chiều hướng phức tạp nên rất khó có thể dự đoán giá vàng thế giới và trong nước sẽ diễn biến như thế nào. Khẳng định của ông Nguyễn Duy Hùng ở trên có thể đúng khi Mỹ chưa có quyết định rõ ràng tấn công Iraq hay không, hoặc một cuộc chiến chống Iraq là điều không tránh khỏi. Còn thị trường trong nước, theo ông Hùng, giá vàng sẽ tăng nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng nhưng trước mắt chưa có gì đáng lo ngại. Ông Hùng cho biết thêm, hiện nay các cơ quan quản lý đều đang theo dõi biến động này và chưa có động thái gì.
|