Trong khi mọi năm mặt hàng nông sản được coi là "mưa thuận, gió hoà" thì những ngày giáp Tết Nguyên đán 2003, mặt hàng này có nhiều biến động thất thường.
|
Chợ rau quả những ngày giáp Tết |
Rau củ quả sẽ rất đắt và hiếm
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào cuối tháng 12/2002 đầu tháng 1/2003 đã làm cho các loại rau, củ, quả mất mùa. Ngoài ra xuất hiện sương muối làm cho sản lượng rau, củ, quả giảm mạnh. Mặc dù vậy, đối với các vùng canh tác rau, củ, quả ven Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên... do đợt rét vừa qua nên hoa, rau chất lượng kém, nhiều loại rau, củ, quả dự kiến chưa thể thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán.
Tính đến thời điểm này, phần lớn các loại rau, củ, quả đều do các huyện ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn... chuyển vào. Giá các loại rau, củ, quả tăng trung bình 10-20%... Dự kiến giá rau, củ sẽ tăng tớí 30-35% vào sáng ngày 29(tức 30 Tết). Riêng đối với các loại hoa quả hiện nay, lượng hàng chuyển về các chợ đầu mối Long Biên, Đền Lừ nhiều gấp 2-3 lần ngày thường. Tuy nhiên nhiều chủ hàng "ém" hàng lại và chỉ cung cấp "nhỏ giọt", số còn lại để lạnh và đưa ra ồ ạt vào ngày 29 Tết, nên các loại hoa quả hiện nay có hiện tượng tăng giá.
Theo những người kinh doanh tại chợ Hàng Da thì giá hoa quả năm nay sẽ đắt hơn so với cùng thời điểm năm ngoái khoảng 10%. Hoa quả nhập ngoại năm nay được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn đặc biệt là loại hoa quả nhập khẩu cao cấp như: táo, cam, nho và một số loại hoa quả lai giống có chất lượng tốt như: táo lai lê, cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch... Vào thời điểm này, các chủ hàng hoạt động hết công suất nhận hàng đặt giỏ theo yêu cầu, trung bình 200.000-500.000 đồng/giỏ.
Đồ khô tăng giá
Đối với mặt hàng nông sản khô hiện nay, sức mua tăng lên 20-22% so với thời kì trước Tết Dương lịch. Giá các mặt hàng này theo đó cũng thay đổi trung bình mỗi loại tăng 7-18%. Nhìn chung lượng cung của các sản phẩm này tương đối ổn định, sản lượng năm nay không thay đổi nhiều so với năm ngoái nhưng vào thời điểm này sức mua tăng đã thúc đẩy giá bán trên thị trường.
Phổ biến trên thị trường một số loại nông sản khô như sau: mộc nhĩ loại I: 40.000 đồng/kg; nấm hương: 110.000-120.000 đồng/kg; hạt sen khô: 30.000 đồng/kg; đỗ xanh còn vỏ: 9.000-10.000 đồng/kg; hạt bí sống: 18.000-22.000 đồng/kg; hạt dưa: 20.000-30.000 đồng/kg; miến: 10.000 đồng/kg; măng lưỡi lợn loại I: 10.000-11.000 đồng/kg.
Theo nhận định của một số chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng này cho biết: từ nay đến Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng nông sản khô sẽ tiếp tục giữ ở mức như hiện nay.
Mứt truyền thống lên ngôi
Khác với loại mứt đóng hộp đang trong tình trạng ế ẩm thì các cửa hàng kinh doanh mứt làm theo công thức gia truyền lại đắt khách. So với các loại mứt đóng hộp, mứt gia truyền có nhiều chủng loại, đa dạng về các loại hoa quả.
Đối với các cửa hàng nổi tiếng trên phố Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Điếu không đủ hàng cung ứng, giá một số loại mứt gia truyền dao động trong khoảng 30.000-50.000 đồng/kg. Tại đây cũng có bán các loại hạt bí, hạt dưa... rang sẵn giá 15.000-17.000 đồng/túi (loại 0,5kg). So với các mặt hàng nông sản tươi, mứt khô truyền thống giá ổn định hơn do phần lớn các loại hoa quả dùng để làm mứt đã được một số cửa hàng gom mua ngay từ đầu tháng 8 nên chất lượng hoa quả tốt, giá ổn định vì thế giá các loại mứt này không có biến động nhiều lần. Dự kiến các mặt hàng này tiếp tục được tiêu thụ mạnh từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán.
Sức mua đối với các mặt hàng nông sản nói chung vẫn tiếp tục đạt ở mức cao trong dịp Tết Nguyên đán. Đây được coi là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất trong năm đối với mặt hàng này. Nếu như các mặt hàng khác phụ thuộc chặt chẽ vào sức mua thì đối với mặt hàng nông sản lại phụ thuộc vào thời tiết và chất lượng sản phẩm. Từ nay đến hết Tết mặt hàng này còn có nhiều biểu hiện tăng giá và ít có khả năng giảm giá.
(Theo Lao Động) |