|
"...không để sau này con cháu chúng ta chê trách quy hoạch của chúng ta lạc hậu". |
Hôm qua (30/9), tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 9, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận và cho ý kiến đối với dự thảo nghị định về công tác quy hoạch. Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: "Quy hoạch phải hướng tới tương lai lâu dài, không để sau này con cháu chúng ta chê trách quy hoạch của chúng ta lạc hậu".
Thảo luận dự thảo nghị định về công tác quy hoạch, các thành viên Chính phủ dẫn ra nhiều bất cập, yếu kém trong công tác quy hoạch hiện nay. Đó là việc quy hoạch chạy theo diễn biến của thực tiễn như kiểu "sinh con rồi mới sinh cha", "quy hoạch treo", gây thiệt hại về kinh tế - xã hội cho cả nhà nước tập thể và nhân dân.
Theo Thủ tường Phan Văn Khải, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch thì các bộ, ngành và các địa phương mới thực hiện được vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Nhưng hiện tại chất lượng công tác quy hoạch còn yếu, có quy hoạch nhưng không thực hiện theo quy hoạch, kể cả đầu tư. Ngoài ra còn phải kể đến bệnh nể nang, vô trách nhiệm khi quy hoạch, dẫn đến tình trạng lộn xộn hiện nay. Cũng theo Thủ tướng Phan Văn Khải, công tác quy hoạch của chúng ta chưa cập nhật được thông tin, kiến thức của thế giới. Do đó, công tác quy hoạch phải dự báo được thị trường trong nước và thế giới, phát huy được lợi thế. Quy hoạch phải nhằm mục đích chuyển dịch cơ cấu kinh tế để có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao khả năng cạnh tranh của các hàng hoá và dịch vụ của nước ta.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã bàn việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Về việc này, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận ba phương án xử lý: phương án 1 là sửa Luật Thương mại, phương án 2 là sửa chung các văn bản quy phạm pháp luật và phương án 3 là sửa từng văn bản.
Về cách chọn phương án, theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nên chọn phương án 3 nhưng kết hợp với phương án 1, những điểm nào của Luật Thương mại có thể sửa chữa được thì sửa. WTO cũng chỉ yêu cầu Việt Nam có lộ trình sửa các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tổ chức này.
(Theo Tuổi Trẻ)
|