Phụ nữ làm giàu - dễ và khó
15:15' 02/10/2003 (GMT+7)
Các doanh nhân nữ chủ yếu vẫn hoạt động trong những lĩnh vực đơn giản, thủ công.

(VietNamNet) - Gần 200 chị từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đã về họp mặt trong Hội nghị Doanh nhân nữ tiêu biểu toàn quốc 2003 sáng 1/10. Các chị bày tỏ, phụ nữ có nhiều phẩm chất thuận lợi cho công việc kinh doanh, làm giàu nhưng trách nhiệm đối với gia đình cũng luôn đè nặng lên các chị. 

''Mỗi thành quả của Việt Nam đều có công lao chị em phụ nữ''

Đây là lời của Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi đến dự hội nghị. Ông khẳng định, ''phụ nữ Việt Nam có đặc điểm là rất chịu thương chịu khó, rất chắt chiu, tiết kiệm và đặc biệt rất biết giữ chữ tín với bạn hàng. Tôi mong chị em tiếp tục phát huy thế mạnh này để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước''.

Rất nhiều doanh nhân nữ tên tuổi của họ đã gắn với thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Chị Hồ Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang là người đưa Điện Quang trở thành DN xuất khẩu bóng đèn và ống thuỷ tinh đầu tiên.

Chị Cao Thị Hảo, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc là người đã đưa DN từ chỗ phải bù lỗ tới 200 tỷ đồng thua lỗ phát sinh từ thời bao cấp đã đưa Tổng Công ty trở thành một DN hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh lương thực và nông sản, mỗi năm tiêu thụ gần 2 triệu tấn thóc gạo, doanh thu trên 6 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách hàng  trăm tỷ đồng.

Đặc biệt là chị Trần Thị Ngọc Sương, giám đốc Nông trường Sông Hậu, người đạt giải ''Phụ nữ ấn tượng 2002 Châu Á - Thái Bình Dương'' đã sát cánh cùng gia đình tự lập nghiệp, biến vùng đất hoang hoá và chua phèn nặng trở thành đất lành của hơn 2.800 hộ gia đình, đưa nông trường trở thành mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính xã hội điển hình của cả nước, được tỉnh Cần Thơ và Chính phủ chọn là Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều chị không những quản lý DN giỏi, tổ chức SXKD có hiệu quả mà còn rất năng động, sáng tạo trong việc nghiên cứu, tìm tòi, tạo những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cao cho DN. Chị Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), DN năm 1991 có 20 loại sản phẩm, đến năm 2002 đã có tới 120 sản phẩm, trong đó 90% là sáng kiến của chị. Doanh thu của DN chị đạt 3.500 tỷ đồng/năm, có tốc độ tăng trưởng 15-20% và có tỷ suất lợi nhuận cao nhất ngành công nghiệp.

Nhiều thương hiệu liên tục được chọn vào TopTen hàng Việt Nam chất lượng cao như Dệt Phong Phú, Giày Thượng Đình, Bánh kẹo Hải Hà, Mỹ phẩm Miss Sài Gòn... cũng gắn với tên tuổi của các chị.

Vươn lên từ sự chịu thương chịu khó

Có nhiều chị là chủ DN hôm nay đã đi lên từ những người làm công, làm thuê bình thường, thậm chí từ hoàn cảnh nghèo khó. Nhưng không cam chịu khó khăn, ngày đêm trăn trở, các chị đã suy nghĩ, mày mò học hỏi và quyết chí vươn lên. Chị Đinh Thị Sở, chủ DN sản xuất dép nhựa tái sinh Tân Quang (Hưng Yên) có chồng là bệnh binh đã mất, con nhỏ, hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Từ làm nông nghiệp và gói bánh bán thêm, với khát vọng vượt lên nghèo khó, với tài sản đầu tiên là một chiếc xe đạp cũ trị giá 50.000 đồng vay mượn để đi đổi kem lấy đồ phế liệu, rồi trở thành người thu gom phế liệu, hiện chị đang là chủ một cơ sở sản xuất dép nhựa thu hút thường xuyên 40-50 công nhân. Vốn lưu động của DN chị hiện là 600 triệu đồng cùng tài sản cố định trên 1 tỷ đồng.

Chị Hà Thị Sỹ, DN tư nhân Quang Thắng, huyện Na Hang, Tuyên Quang tâm sự: ''Khi mới khởi nghiệp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chồng tôi là quân nhân xuất ngũ, khi ra quân không có công ăn việc làm. Tôi là một cán bộ Hội phụ nữ, trình độ văn hoá còn thấp. Bản thân hai vợ chồng chúng tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khổ, đông anh chị em. Tiền vốn làm ăn bước đầu không có, nhất là khi sinh con, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả".

Chị Sỹ kể, chị đã bắt đầu ''sự nghiệp kinh doanh'' của mình bằng việc nuôi một con lợn nái, tiếp đó, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua thêm 3 rồi 8 con lợn nái. Tiếp đó, chị quyết định vay vốn mua 19 con bò, và từ đó mua tiếp mảnh đất chăn nuôi bò với diện tích 1.480 m2.

Đến nay, DN của chị đã có cơ sở vật chất gồm một nhà khách, một nhà hàng, một ôtô chở khách và một ôtô chở hàng. Chị tâm sự: ''Tuy số vốn của DN tôi còn ít ỏi nhưng với những chặng đường của cuộc đời tôi - một phụ nữ dân tộc sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn không có điều kiện đi học, lao động vất vả nên tôi rất tự hào với số vốn và số tài sản nói trên, vì đó là kết quả từ bàn tay, trí óc, từ lao động mà tôi cùng với chồng tôi đã xây dựng nên''.

Thách thức không ở... thương trường

Chị Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang, tâm sự: ''Khi bước vào thương trường, dù là nam hay nữ cũng cần có sự tỉnh táo, nhanh nhạy, đức tính kiên quyết và một phong cách thuyết phục đồng sự, thuyết phục khách hàng, đôi khi còn phải thuyết phục cả đối thủ cạnh tranh. Đối với một nữ doanh nhân, để có được những yếu tố cần thiết ấy càng không phải là một điều dễ dàng và đơn giản. Dù không bộn bề với công việc gia đình, không có điều kiện dành nhiều thời gian lo chăm sóc chồng và các con, nhưng là một người vợ, người mẹ, tôi không thể không buồn khi con mình học điểm thấp hoặc một buổi chiều về cả nhà chờ cơm đến 7-8h tối chỉ vì lỡ kẹt khách ở cơ quan. Trong khi đó, ở xí nghiệp, với hơn 1.100 con người cần có công ăn việc làm, có thu nhập không chỉ đủ nuôi sống mà còn phải chăm lo gia đình con cái họ ngày đầy đủ hơn, luôn là gánh nặng trên vai của một người phụ nữ làm quản lý DN''.

Trăn trở lớn nhất của chị em làm kinh tế, bươn chải trên thương trường chính là gia đình, con cái, gánh nặng của vai trò làm vợ, làm mẹ. Do đặc thù về giới, doanh nhân nữ luôn bị chi phối giữa trách nhiệm gia đình và công việc xã hội nên khó có điều kiện toàn tâm, toàn lực cho hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, hiện nay, các doanh nhân nữ chủ yếu là các DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, phần nhiều hoạt động trong các ngành nghề mang tính đơn giản, thủ công. Rất ít DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, có quy mô lớn hoặc trung bình.

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm thuỷ sản (02/10/2003)
80% tiêu chuẩn Việt Nam không phù hợp với quốc tế (02/10/2003)
Doanh nghiệp Việt Nam chưa hẳn đã thua! (02/10/2003)
Mở đường bay nối các di sản văn hoá thế giới ở Đông Dương (02/10/2003)
TPHCM xây khu nông nghiệp công nghệ cao (02/10/2003)
Gần nửa triệu hộ nông dân không có đất nông nghiệp (02/10/2003)
Có thể Gọi 171 và 1717 trên toàn quốc (02/10/2003)
Giá than tăng đủ bù đắp chi phí điện, thép tăng (02/10/2003)
Hạ Long lên đô thị loại II (02/10/2003)
Không được nhập phân bón chưa khảo nghiệm (02/10/2003)
Bộ Tài chính ứng tiền cho các công trình SEA Games 22 dang dở (02/10/2003)
Thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng (02/10/2003)
Bổ sung 129,2 tỷ đồng để hoàn thành nhiều công trình SEA Games (02/10/2003)
Đề nghị xoá bỏ thời gian ân hạn nộp thuế (02/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang