(VietNamNet) - Thay vì 5 tỉnh thành như hiện nay, cả nước sẽ có tới 15 tỉnh thành có ngân sách đóng góp về TW. Đó là điểm mới nhất về phân bổ dự toán NSNN năm 2004 mà Quốc hội sẽ thực thi lần đầu tiên tại Kỳ họp tới, khai mạc vào 20/10. Phương án phân chia ngân sách ''kiểu mới'' sẽ đặt dấu chấm hết cho tình trạng 5 tỉnh gánh 56 tồn tại nhiều năm nay.
|
Cần Thơ sẽ bắt đầu đóng góp vào ngân quỹ TW từ năm 2004. |
10 tỉnh sẽ cùng TW gánh vác ví tiền quốc gia là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long bên cạnh 5 tỉnh thành như hiện nay (Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương).
Một điểm mới nữa trong việc phân bổ ngân sách lần này là đối với những địa phương đã điều tiết ngân sách về ngân sách nhà nước, phần tăng thu sẽ được giữ lại một phần. Còn đối với các tỉnh thành chưa cân đối được, phần tăng thu sẽ giữ lại toàn bộ để đầu tư phát triển.
Thu ngân sách 2003 và 2004 đều tăng trên 10%
''Các địa phương ủng hộ chi ngân sách theo dân số. Tuy nhiên, hầu hết họ đều cho rằng định mức như vậy thế là thấp. Việc ra ngân sách thì năm nào cũng bị kêu là ít tiền cả, sau đó thì anh nào cũng có lãng phí''. (Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng) |
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu ngân sách 2003 ước đạt hơn 132 nghìn tỷ, tăng hơn7% so với so với dự toán và tăng hơn 11% so với số thực hiện 2002. Khoản thu vượt lớn nhất là thu về giao quyền sử dụng đất, vượt tới 75%, tiếp đó là thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thu từ DN có vốn ĐTNN...
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế và ngân sách, tổng thu cân đối NSNN dự kiến tăng khá so với dự toán, nếu rà soát kỹ thì tổng thu sẽ cao hơn so dự kiến nêu trong báo cáo, chủ yếu thu thêm từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu. Thu từ nội địa tăng khá (16,4%), nhưng vừa chưa chắc chắn, vừa chưa sát thực tế từng địa phương, từng nguồn thu, đồng thời thể hiện hiệu quả của nền kinh tế thấp.
Về thu ngân sách năm 2004, Chính phủ dự kiến sẽ là hơn 148.000 tỷ, tăng gần 12% so với năm 2003. Trong tổng số thu cân đối NSNN 2004, khoản thu tăng mạnh nhất trong thu nội địa vẫn là thu về giao quyền sử dụng đất (tăng hơn 35% so với ước thực hiện 2003). Khoản thu này và một số khoản thu khác theo quy định của Luật NSNN thì địa phương được hưởng 100%.
Dự toán chi NSNN 2004 dự kiến vẫn tăng 11% so với số thực hiện 2003. Việc thực hiện Luật NSNN mới sẽ dẫn đến sự thay đổi cơ cấu thu - chi giữa NSTW và NSĐP theo hướng tăng tỷ trọng NSĐP được hưởng. Mặt khác, việc chủ động bố trí trước chi đầu tư cho các tỉnh nhằm khai thác tiềm năng, tăng tính công bằng giữa các địa phương đã làm vốn đầu tư của NSTW giảm.
Đặt lộ trình xoá bỏ các khoản chi bao cấp
Uỷ ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nên đảm bảo vốn đầu tư cho NSTW năm 2004 bằng việc huy động các nguồn vốn khác và áp dụng đa dạng các hình thức đầu tư để bổ sung như: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị, BOT, BT, sau chuyển quyền khai thác công trình nhằm đảm bảo tổng đầu tư phát triển bằng ít nhất 30% tổng chi NSNN.
Để đảm bảo kế hoạch thu chi ngân sách năm 2004, UBKT-NS yêu cầu tiến hành rà soát phân loại công trình dở dang và khối lượng nợ đọng XDCB ở các cấp, các ngành; huy động các nguồn vốn hợp pháp và dành một phần trong dự toán NSNN để sớm thanh toán dứt điểm nợ đọng hợ lý trong XDCB sau khi phân loại; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đầu tư và xây dựng để có biện pháp xứ lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời trong điều hành ngân sách năm 2004 không để phát sinh thêm nợ mới không đúng với quy định, đảm bảo lành mạnh tài chính.
Bên cạnh đó, thời gian tới các ngành sẽ phải sơ kết và mở rộng diện khoán chi hành chính, khoán chi biên chế quỹ lương và sớm áp dụng các hình thức này trên phạm vi cả nước; hạn chế và đặt lộ trình xoá bỏ cơ bản các khoản chi mang tính chất bao cấp, tình trạng ỷ lại, trồng chờ vào ngân sách, nhất là các DNNN.
Hệ thống định mức phân bổ ngân sách nhà nước hiện nay lấy cơ sở xây dựng từ dự toán ngân sách năm 1997. Từ đó đến nay, các Bộ, cơ quan Trung ương hàng năm được tăng chi theo tỷ lệ căn cứ khả năng ngân sách, các nguyên tắc ưu tiên đầu tư theo từng lĩnh vực, từng loại hình đơn vị. Đối với các địa phương được ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia một số nguồn thu với ngân sách Trung ương hoặc ổn định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thì trên cơ sở ổn định đó, các địa phương phấn đấu tăng thu phần ngân sách địa phương được hưởng sẽ được tăng chi; Đồng thời khi Nhà nước ban hành chế độ mới cần tăng chi, ngân sách Trung ương sẽ tính toán bổ sung trong dự toán ngân sách hàng năm cho các Bộ và các địa phương. |
|