Nhiều nỗi lo lớn đối với khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ
10:30' 08/10/2003 (GMT+7)

Tình trạng xây dựng tràn lan có nguy cơ làm “bê tông hoá” Bà Nà.
 

(VietNamNet) - Ba năm trở lại đây, Bà Nà đã trở thành một điểm tham quan, nghỉ mát lý tưởng ở Đà Nẵng, thu hút ngày càng nhiều du khách bốn phương. Hẳn nhiên đây là một tin vui đối với những người làm du lịch. Nhưng đi cùng sự tăng trưởng về lượng du khách thì ở Bà Nà cùng đang nảy sinh nhiều mối lo về nguy cơ bê tông hoá, ô nhiễm môi trường và huỷ hoại tiềm năng đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ...

Bê tông đang lấn át rừng xanh

3 năm qua, để khai thác tiềm năng khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, TP. Đà Nẵng đã đầu tư hơn 130 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp đường giao thông, đưa điện lưới, nước sạch, điện thoại... lên phục vụ du khách. Đường từ chân núi Bà Nà lên đến đỉnh, nhất là những khúc cua nguy hiểm đã được mở rộng, các đoạn đường men qua vực thẳm đã có hàng rào bảo vệ, tạo cảm giác an toàn cho khách. Sau khi hệ thống cáp treo đi vào hoạt động, khách không chỉ thuận lợi hơn khi đi lên đỉnh Bà Nà mà còn có dịp chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên đặc biệt hiếm có của khu du lịch này trong khi "bay" giữa không trung... Các doanh nghiệp cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp và mở rộng hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ mà nổi bật là các khu biệt thự Lệ Nim, Hoàng Lan, Bà Nà By Night.. và các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện ở Bà Nà - Suối Mơ đã có gần 200 phòng nghỉ đủ khả năng phục vụ đồng thời 700 khách nghỉ qua đêm.

Nhờ vậy, từ chỗ chỉ có hơn 100 người/ngày, đến nay bình quân có 600-700 du khách đến Bà Nà mỗi ngày để tham quan, nghỉ ngơi, nhất là vào dịp cuối tuần, ngày lễ. Năm 2001, Bà Nà đón 40.000 lượt du khách với doanh thu 6 tỷ đồng; năm 2002 đã đạt 65.000 lượt với doanh thu 9 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, Bà Nà sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách. Việc gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch, nhất là khách nội địa, đến với khu du lịch Bà Nà khiến lượng phòng nghỉ hiện có ở đây trở nên quá tải trong mùa hè vừa qua, nhất là vào dịp tổ chức Liên hoan du lịch "Gặp gỡ Bà Nà 2003". Trước tình hình đó, UBND TP. Đà Nẵng vừa có chủ trương đầu tư thêm 200 phòng nghỉ tại khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, mỗi phòng trị giá 20-25 triệu đồng. Hiện UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch chọn địa điểm và lập hồ sơ thiết kế.

Việc tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho khu du lịch Bà Nà tất nhiên cần được sự quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để sự đầu tư đó không phá vỡ cảnh quan vốn đã tạo ra sự hấp dẫn khó nơi nào có được của Bà Nà. Cách đây ít lâu, nhiều du khách đến thăm Bà Nà đã phải xuýt xoa tiếc nuối khi khu vực đỗ xe trên đỉnh sạt lở một mảng lớn, kéo theo hàng loạt cây xanh bị “cuốn trôi” xuống vực. Nhìn từ xa, điểm này cứ như vết lở lói trên một thân thể cường tráng, làm xốn mắt biết bao người. Chính vì kiểu thi công như vậy mà nhiều du khách rất xót xa khi thấy nhiều vạt núi, cánh rừng bị san phẳng, phơi đất đá đỏ au như đang... chảy máu cho các công trình mọc lên. Chưa kể một số vị trí rất đẹp mà du khách chọn để ngắm nhìn về Đà Nẵng mỗi bình minh hay hoàng hôn - khi ấy, Đà Nẵng trông tráng lệ như Hongkong mà vẫn phảng phất nét huyền bí như trong tranh thuỷ mặc - cũng bị chiếm mất để xây dựng công trình. Nhiều người tâm huyết đang thật sự hốt hoảng trước viễn cảnh Bà Nà - Suối Mơ bị bê tông hoá!

Rác thải ngày một nhiều lên

Đem đồ ăn, thức uống lên Bà Nà nhưng nhiều du khách thiếu ý thức giữ gìn môi trường.
 

Một nỗi lo khác không hẳn là quá sớm đối với Bà Nà là nguy cơ ô nhiễm môi trường do sự gia tăng quá nhanh lượng du khách đến đây. Việc tổ chức đón khách "thả cửa", chỉ cốt chạy theo lợi nhuận mà thiếu sự hạn định đúng mực từng gây ra thảm hoạ môi trường ở nhiều khu du lịch nổi tiếng trên thế giới. Với Bà Nà, điều đó cũng không phải là ngoại lệ nếu không có những sự tác động tích cực hơn. Hiện Ban quản lý (BQL) khu du lịch Bà Nà đã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng tổ chức thu gom, vận chuyển rác ở đây. Đơn vị này đã lắp đặt một số thùng rác trong khu vực và 2-3 ngày lại cho xe đến lấy. Tuy thế, trong số du khách đến Bà Nà lại không thiếu những người không có ý thức trong việc tham gia bảo vệ môi trường khu du lịch, thậm chí còn phá hoại. Phổ biến nhất là tình trạng những nhóm du khách (chủ yếu là khách trẻ tuổi) đem theo đồ ăn thức uống lên Bà Nà tự ý tổ chức đốt lửa trại, nhưng sau đó vứt bao bì, vỏ lon, thức ăn thừa... khắp nơi.

Tuy chưa có vụ cháy nào xuất phát từ những tình trạng này, nhưng thật khó để đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra. Trong khi đó, Ban quản lý khu du lịch Bà Nà lại chưa có những quy định, biện pháp chế tài cụ thể để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi này. Bên cạnh đó, việc đốt lửa trại cho những nhóm du khách có yêu cầu là một loại hình phục vụ sáng tạo để tăng thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Bà Nà. Nhưng nếu các cuộc lửa trại đó lại là sự khơi mào cho việc ăn nhậu thâm đêm rồi vứt rác thải bừa bãi thì phải cần xem lại... Chính từ thực trạng này nên dù Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng có đặt bao nhiêu thùng rác ở Bà Nà đi chăng nữa thì khu du lịch này vẫn đang bị đe dọa bởi... rác!

Tài nguyên rừng đang bị huỷ hoại

Khu du lịch Bà Nà By Night.
 

Không chỉ tình trạng bê tông hoá ở khu du lịch Bà Nà đe doạ trực tiếp đến Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ (8.800ha) mà tình trạng phát đốt, xử lý thực bì cho công tác trồng rừng cũng đang làm tổn hại nghiêm trọng thảm thực vật của hàng trăm ha rừng tại xã Hoà Phú (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ). Bị phát đốt, nhiều vạt rừng trở nên nham nhở, trơ trụi toàn đất đá. Thậm chí có những vạt rừng mới phát đốt xong chỉ nằm cách nhà làm việc của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ chừng vài chục mét. Tình trạng này không phải mới diễn ra mà đã có từ nhiều năm trước.

Nguyên do là khi chưa thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ và đưa vào khai thác du lịch, hàng trăm hécta rừng ở vùng bình độ thấp đã được UBND huyện Hoà Vang giao cho các hộ dân quản lý để trồng rừng. Đúng ra, sau khi Khu bảo tồn thiên nhiên này thành lập thì số diện tích rừng này phải được thu hồi, chuyển cho BQL khu Bà Nà - Suối Mơ phát triển tài nguyên rừng theo đúng mục đích bảo tồn thiên nhiên. Tuy vậy, việc thu hồi đã không được thực hiện. Vậy là 5-6 năm nay, hàng chục hộ nhận đất rừng Hoà Phú ngày nào vẫn nghiễm nhiên coi đó là rừng do mình quản lý và cứ mặc sức phát đốt, trồng cây lấy gỗ tuỳ ý. Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng này, tại đây rất dễ xảy ra thảm hoạ cháy rừng mà hậu quả sẽ thật khó lường, bởi không ai dám chắc ngọn lửa bốc lên từ khu vực xử lý thực bì sẽ không cháy lan sang các khu vực khác.

BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ, BQL Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ và Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị thu hồi số đất rừng nêu trên giao cho BQL Khu bảo tồn thiên nhiên, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hậu quả là năm này qua năm khác, đến mùa trồng rừng là hàng trăm hécta rừng bị phát đốt vô tội vạ! Ai cũng biết trong khu vực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên không thể trồng cây kinh tế như nhiều hộ đang thực hiện mà phải trồng cây bản địa để tạo những cánh rừng có tính ổn định, bền vững. Có vậy, rừng tại đây mới bảo đảm được yêu cầu phòng hộ đầu nguồn, hạn chế tình trạng lở núi và tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn du khách. Thế mà những người có chức trách trong việc thu hồi số diện tích rừng giao cho các hộ dân trước đây để chuyển giao cho BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Suối Mơ vẫn im lặng. Thật đáng trách!

Ngoài ra, còn có tình trạng đáng lo ngại mà nếu không kịp thời khắc phục sẽ đánh mất một trong những nét độc đáo của Bà Nà: Đó là việc ngày càng có nhiều người đến đây lùng tìm lan rừng, các loại cây cảnh, cây thuốc quý... mà chỉ nơi có khí hậu, thổ nhưỡng như Bà Nà mới có được. Việc săn lùng một cách tự phát, "lấy một mà phá mười" này chắc chắn sẽ càng góp phần làm suy giảm tài nguyên rừng của Bà Nà. Và điều này rõ ràng là thuộc về trách nhiệm của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên và BQL khu du lịch Bà Nà!

Đã có một Bà Nà - Suối Mơ là khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái lý tưởng. Song với những gì đang diễn ra mà sự ghi nhận trên đây vẫn chưa thể gọi là đầy đủ, làm sao có thể bảo đảm Bà Nà vẫn là chính mình khi phải đối diện với làn sóng du lịch ngày càng tăng? Trách nhiệm giữ gìn, khai thác và phát triển Bà Nà một cách bền vững đặt ra không chỉ với các nhà quy hoạch, quản lý mà còn với mỗi du khách. Nhưng sẽ không hiệu quả nếu chỉ dừng ở lời kêu gọi suông mà nhất thiết phải có biện pháp quản lý cụ thể.

  • Thanh Hải                                                                                

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đi đòi thương hiệu cá basa (08/10/2003)
Công nhân các nhà máy đường ở ĐBSCL hoang mang (07/10/2003)
Ưu đãi cho DN đến Đài Loan mua hàng (07/10/2003)
Nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản 11.000 tỷ đồng (07/10/2003)
Lịch tiêu thụ mạnh, giá giảm (07/10/2003)
Nông dân, doanh nghiệp “đón đầu” SEA Games (07/10/2003)
Hà Nội sẽ thử nghiệm truyền hình số mặt đất (07/10/2003)
Thêm 10 tỉnh sẻ gánh nặng với ngân khố quốc gia (07/10/2003)
Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (07/10/2003)
Nhập bò sữa giống phải "gánh" trách nhiệm chất lượng (07/10/2003)
Xúc tiến thành lập Trung tâm Việt Nam tại Singapore (07/10/2003)
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (07/10/2003)
Khuyến khích và bảo hộ việc phát triển kinh tế tư nhân (07/10/2003)
100 công ty Bỉ đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh (07/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang