11.000 tỷ đồng xây dựng nợ đọng, giải quyết thế nào?
09:56' 09/10/2003 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cương quyết không thanh toán công trình ngoài kế hoạch.

Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách (Quốc hội) mới đây cho thấy, tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đã lên tới mức báo động (11.000 tỷ đồng). Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với giới báo chí ngày 8/10.

- Theo ông, con số 11.000 tỷ đồng vốn nợ đọng các công trình đầu tư xây dựng phải chăng có nguyên nhân từ chính việc các địa phương đầu tư xây dựng theo phong trào?

- Có một thực tế là các địa phương, các bộ, ngành bao giờ cũng muốn đầu tư xây dựng nhiều, muốn làm nhanh. Nhưng giữa nhu cầu xây dựng và nguồn lực về vốn luôn có "khoảng trống". Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được hết các đòi hỏi của địa phương, nên nhiều địa phương làm theo kiểu "phá rào": Làm trước, xin sau. Có những công trình làm ngoài kế hoạch nhưng thực sự xuất phát từ đòi hỏi bức xúc của thực tế nhưng đúng là có những công trình đầu tư theo kiểu tràn lan không đem lại hiệu quả. Trong báo cáo mới đây, Bộ KH & ĐT cũng đã thừa nhận: Trong số các công trình nợ đọng vốn chỉ có khoảng 1/3 số công trình xây dựng nằm trong kế hoạch được coi là hợp lý hợp pháp, 2/3 còn lại là ngoài kế hoạch. 

- 2/3 số công trình "không hợp pháp" này sẽ phải xử lý thanh toán vốn như thế nào, thưa ông?

- Về nguyên tắc, làm cương quyết thì những công trình này ngân sách nhà nước sẽ không thanh toán. Còn cấp nào, người nào quyết định đầu tư thì cấp đó, người đó phải chịu trách nhiệm. 

- Lâu nay chúng ta vẫn có chuyện "nhân nhượng, cả nể" trong xin - cho. Liệu đề nghị của Thủ tướng là cương quyết không thanh toán vốn cho các công trình ngoài kế hoạch, tình trạng "cả nể" có chấm dứt không, thưa ông?

- Cần phải có một cuộc rà soát. Thủ tướng có nói, trong năm 2003 - 2004 sẽ phải tiến hành thanh tra xây dựng cơ bản trên toàn quốc. Với những công trình thực sự bức thiết, có hiệu quả thì có thể tìm nguồn để thanh toán. Nhưng nguồn ở đâu, bao giờ thanh toán, công trình nào được thanh toán trước, công trình nào không thanh toán..., theo tôi phải được phân định rõ ràng. Tôi nghĩ rằng, chỉ tính sơ bộ, số lượng nợ đọng đã là 11.000 tỷ đồng với khối lượng công trình không hề nhỏ thì việc thanh toán sẽ không dễ dàng. Quan điểm chung là từ năm 2004 trở đi, sẽ cương quyết chỉ phân bổ ngân sách cho những công trình nằm trong kế hoạch. Nếu kỷ luật hành chính được thực hiện nghiêm túc thì bắt buộc địa phương phải lấy vốn từ ngân sách của mình. Nếu không đủ thì phải phấn đấu vượt thu, hoặc phải huy động các nguồn vốn khác như trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị. Mặt khác, về kỷ cương hành chính, Chính phủ cũng sẽ phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân ở tất cả các khâu, từ khâu quyết định đầu tư trở đi.

- Thưa ông, trong khi hậu quả của việc "đầu tư theo phong trào" như chương trình xi măng lò đứng, mía đường... đã khá rõ ràng, hậu quả cho đến nay còn chưa khắc phục xong thì gần đây lại xuất hiện trở lại "hội chứng" này với nhiều chương trình mang tên gọi khác. Phải chăng đây là bài toán không thể giải?

- Đúng là hiện nay đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại một số hội chứng đầu tư tràn lan như thép xây dựng, cảng sông, cảng biển, khu du lịch, nuôi tôm trên cát. Những chương trình này nếu tính toán không kỹ thì sẽ lại tiếp tục gây nên những lãng phí thất thoát. Do đó rất cần những người, những cơ quan hoạch định chiến lược có tầm về tư duy. Không thể đưa ra thị trường những sản phẩm mà thị trường không cần, hoặc cần ít nhưng sản xuất nhiều. Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, những yếu kém gây lãng phí thất thoát. Chính phủ phải kiểm tra, nếu đúng trách nhiệm của ai, cơ quan nào thì phải xử lý thậm chí cả xử lý hình sự. Nếu Chính phủ đã kiểm tra, chỉ đạo mà cơ quan chấp hành không thực hiện thì phải áp dụng biện pháp cuối cùng về nhân sự. 

(Theo Lao Động)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giới khoa học bất đồng về dự án Metro ưu tiên tại TP.HCM (09/10/2003)
Vận chuyển trên 2,8 triệu hành khách bằng đường không (09/10/2003)
Khách quốc tế đến TP.HCM tăng 27% (09/10/2003)
Thị trường dầu dừa xuất khẩu đóng băng (09/10/2003)
Đánh thuế thu nhập cao từ chuyển nhượng đất đai (09/10/2003)
Dân Sơn La đua nhau trả bò (09/10/2003)
GDP tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua (08/10/2003)
Sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành (08/10/2003)
Sản xuất lương thực đang cần sự đột phá của KHCN (08/10/2003)
ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa thuế nhập khẩu (08/10/2003)
Đặt tên doanh nghiệp: Bấp bênh giới hạn của sự độc đáo (08/10/2003)
"Nhất thiết không để xảy ra đầu tư tràn lan, kém hiệu quả" (08/10/2003)
Năm 2004, dự kiến thiếu 5,7 triệu tấn xi măng (08/10/2003)
''Cần tận dụng cơ hội tạo “bùng nổ” FDI'' (08/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang