|
Thông tư liên tịch 07 đã làm nhiều DN thất vọng. |
Câu chuyện phân bổ quota hàng dệt may vào thị trường Mỹ năm 2003 đến nay kể như đã khép lại. DN ngành dệt may khấp khởi hy vọng một cơ chế phân bổ mới hợp lý hơn, công bằng hơn, thế nhưng Thông tư liên tịch 07 của liên Bộ Thương mại và Công nghiệp đã làm nhiều DN thất vọng.
Ba ngày sau khi có thông tư liên tịch 07, ngày 11/10 Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex) đã tổ chức hội thảo góp ý những điểm chưa hợp lý. Buổi hội thảo không chỉ thu hút sự quan tâm của các DN thành viên mà còn có sự tham gia của các DN thuộc Bình Dương, Long An, Đồng Nai và cả một số DN nước ngoài, trong khi quan chức của Bộ Thương mại lại không đến dự.
Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Agtex cho rằng sẽ không phân bổ quota năm 2004 mà chỉ tính thành tích xuất khẩu của DN nghiệp từ ngày 1/5/2003 (thời điểm bắt đầu phân bổ quota năm 2003) theo như Thông tư liên tịch 07. Nhiều DN cũng đồng tình quan điểm này vì không thể phủ nhận thành tích của họ trong 4 tháng đầu năm 2003. Hơn nữa họ đã tăng tốc xuất vào Mỹ "lời kêu gọi" của Bộ Công nghiệp "Bởi thế thành tích xuất khẩu của DN phải được tính từ ngày 1/1 đến 31/12/2003 mới là cơ sở chính xác để phân bổ quota cho năm 2004", Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Nguyễn Đức Hoan khẳng định.
Trả lời phỏng vấn của giới báo chí, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu giải thích: "Chọn thời điểm từ 1/5 là để đảm bảo công bằng cho những đơn vị có thực lực sản xuất và xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều đơn vị đã ồ ạt làm các hợp đồng với đơn giá rẻ mạt nhằm lấy thành tích xuất khẩu. Những DN làm ăn chân chính không làm như thế". Như vậy vì một số người không làm ăn đàng hoàng mà cơ quan chức năng lại phân biệt đối xử bất công với các DN chân chính sao?
(Theo Thanh Niên)
Tin liên quan:
|