|
Hầu hết các tàu cá của Việt Nam mới khai thác gần bờ. Ảnh Nguyên Vũ. |
(VietNamNet) - Không chỉ tại Việt Nam, việc chia sẻ nguồn tài nguyên biển cũng như kinh nghiệm sử dụng chúng một cách bền vững là vô cùng quan trọng. Hội nghị Nghề cá APEC, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, vì thế có chủ đề: "Tăng cường quan hệ đối tác vì một nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản bền vững". Hội nghị diễn ra từ 11 đến 15/10, tại Hà Nội.
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Việt Nam cho rằng, chúng ta hiện mới quan niệm toàn cầu hoá và hội nhập trong thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại. Song, trên thực tế, việc chia sẻ và tái tạo các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên biển, đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là các vấn đề về môi trường, như cạn kiệt, hay nói cách khác, tốc độ tái tạo biển không theo kịp tốc độ khai thác. Do đó, song song với việc đảm bảo phát triển, cần phải bảo vệ; trong bảo vệ phải bảo tồn.
Hội nghị Nghề cá của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần này nằm trong khuôn khổ Tuyên bố Seoul về Biển, diễn ra tháng 4/2002, tại Hàn Quốc. Theo đó, phát triển nghề cá phải có trách nhiệm cao nhất dựa trên khả năng cho phép. Vì thế, hai chủ đề bàn tới tại hội nghị là Cuộc họp Nhóm công tác nghề cá lần thứ 13 và Nhóm công tác bảo tồn tài nguyên biển lần thứ 16. 54 đại biểu đến từ 21 quốc gia APEC đã tham dự.
Nội dung chính được các đại biểu, chuyên gia quốc tế và Việt Nam đề cập là điểm lại hoạt động của nhóm công tác nghề cá thời gian qua, xem xét việc thực hiện các dự án khu vực và thẩm định dự án mới, tổng quan về các vấn đề nghề cá phát sinh năm qua. Hội nghị của còn nghe tham luận về các hướng đi mới của nghề cá, kinh nghiệm thực tế về phát triển nghề cá, bảo tồn nguồn lợi, bảo vệ sinh vật biển...
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng Nhóm công tác nghề cá, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi (Bộ Thuỷ sản), Việt Nam được xếp thứ 16 về đa dạng sinh học thế giới. Đến nay, các nhà khoa học đã thống kê được 11.000 loài sinh vật biển, trong đó có 2.200 loài cá biển, 21 loài thú biển, trên 20 kiểu hệ sinh thái nhiệt đới điển hình có năng suất sinh học cao như rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô, đầm phá ven biển...
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, sản lượng khai thác hải sản đã tăng hơn 2 lần, từ gần 710.000 tấn (1990) lên 1,435 triệu tấn (2002); sản lượng nuôi trồng tăng hơn 3 lần, từ 310.000 lên 976.000 tấn; giá trị xuất khẩu tăng gần 10 lần. Do vậy, đã vấp phải những vấn đề: NTTS chưa bền vững, khai thác thuỷ sản bằng phương tiện hủy diệt vẫn tiếp diễn, quản lý nguồn lợi thuỷ sản chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng ta phải quan niệm bảo tồn biển dưới dạng động và gắn với sản xuất", Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nói.
Vì sự phát triển của nghề cá bền vững và bảo tồn nguồn lợi biển trong khu vực APEC, Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho rằng, có ba điểm cần lưu ý: Thứ nhất, thực hiện bảo vệ tài nguyên biển một cách tích cực, chủ động, không đơn thuần chỉ là những biện pháp ngăn cấm, mà phải có giáo dục, và phát triển hợp lý. Trên thế giới, cũng như tại Việt Nam, phải có trách nhiệm trước cuộc sống của 20 triệu người dân ven biển Việt Nam. Thứ hai, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu. Song, tuyến biển ven bờ có thể coi là vùng cấm hoặc khai thác hết sức hạn chế. Muốn đánh bắt thì phải ra xa bờ. Xa bờ cũng phải phát triển bền vững vì lượng hải sản tự nhiên hạn hẹp và điều kiện tái tạo cũng hạn hẹp. Thứ ba, tiết kiệm một cách tốt nhất sản lượng khai thác để có thực phẩm cho con người. Theo như Tuyên bố Tokyo cách đây 8 năm, nếu không có sự thay đổi, đến 2010, sẽ diễn ra chênh lệch cung - cầu của 50 triệu tấn trên tổng cộng 110 triệu tấn.
Như vậy, cùng với chuyển dịch cơ cấu, phát triển nghề cá phải gắn với tiết kiệm và làm giảm những thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, cần thực hiện chính sách thương mại lành mạnh có gắn với các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và nguồn sinh thái liên quan. Tại Việt Nam, cả ba yêu cầu trên đều được thể hiện rõ trong Luật Thuỷ sản, đang chờ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
|